s o .S Á N H . . . . .
____________________________________________________________________________Có một số người sau khi nhờ nỗ lực vô bờ cộng với chút may mắn trở nên khá giả thường hay hồi tưởng đến thuở hàn vi để so sánh. Có người so sánh trong hưng phấn với chút tự hào. Có người so sánh rồi vui, nhưng vui trong trầm mặc, cảm khái. So sánh trong tinh thần cầu tiến là điều nên làm. Bao nhiêu vĩ nhân, bao nhiêu quốc gia đã nhờ vào nhờ vào sự so sánh này mà trở nên tiến bộ và họ vẫn không ngừng so sánh để càng tiến bộ hơn. So sánh bằng cái nhìn lệch lạc do kém hiểu biết và lòng kiêu căng tự mãn là hành vi thiếu thông minh, tự làm hình ảnh của mình trở nên kệch cỡm.
Năm 1998, Lần đầu khi về Việt Nam sau 19 năm rời xa, tôi cũng có chút xúc động. Đến thăm hai thằng bạn cũ nghe nói cũng tương đối thành công trong thương trường. Hai đứa nó mang thêm vài người bạn cũng ở Sàigòn dẫn tôi đi thăm nhiều vũ trường, nhiều nhà hàng cao cấp, những quán nhậu karaoke, những quán cà phê hạng sang... (dĩ nhiên là do tôi chi trả). Tôi đợi mãi xem tụi nó còn có gì khác không. Rồi tôi thất vọng! Cả bọn không bao giờ đưa tôi đến (hay đề cập đến) thư viện hay nhà sách, không bao giờ đưa tôi đến những nơi thờ phượng như chùa chiền hay thánh đường. Mãi đến mấy tuần sau, sắp trở lại Mỹ, ngẩn ngơ khi nghe vài câu nói của cả đám bạn "Mày thấy âm thanh và nhạc của vũ trường VN có hay hơn bên đó không?". "Tụi này nghe nói bên Mỹ cũng có quán nhậu karaoke, nhưng mấy em bên đó chỉ được hát thôi, không bạo như mấy em bên này". "Mày cũng thấy đó, đời sống bên này đâu có thua gì bên đó, cứ nhìn bọn trẻ uống beer và rượu mạnh thì biết". Ra là thế, đến lúc đấy tôi mới hiểu nguyên do. Hai đứa bạn tôi, cộng thêm đám bạn mới nữa bị mang mặc cảm thua kém (inferiority complex). Cả bọn tận dụng hết khả năng để chứng minh cho tôi thấy VN không hề yếu kém hay lạc hậu so với nước Mỹ siêu cường (!) Tôi không ngờ nguyên một đám lại có lối suy nghĩ đồng nhất thiển cận như vậy. Một xã hội văn minh và tiến bộ được định giá qua vũ trường và những chốn ăn chơi à? Còn Y Khoa, Giáo Dục, An Sinh Xã Hội và rất nhiều vấn đề khác nữa thì sao? Thật tình lúc ấy dù sao giữa chúng tôi vẫn còn cái vui nồng nhiệt của bạn bè lâu ngày gặp lại nên tôi cũng chỉ nghe một cách lơ đãng rồi cười hài hoà, không hề phẩm bình gì cả. Giờ nghĩ lại, thấy cả đám thật đáng thương. Cách so sánh thật trẻ con và nông cạn!
Mấy năm sau có vài người quen đi VN về thuật lại. Hai thằng bạn của tôi giờ có chút tiền bạc nên cùng với đám bạn bè bên VN hay nói năng ồn ào vung vít lắm. So sánh lung tung và tuyên bố "đám Việt Kiều" (trong đó có tôi) nghèo hơn chúng nó. Nguyên văn: "Nhìn cả đám Việt Kiều ngày xưa liều mạng vượt biên, bất kể sống chết, 19, 20 năm sau không ngờ lại nghèo hơn tụi này". (Mấy đứa này đầu óc bận bịu với những ý nghĩ tự mãn nên quên mất những lần vượt biên không thoát khi xưa). Thú thật, đã từ rất lâu rồi tôi không còn đặt trọng tâm vào chuyện giầu nghèo nữa, tôi chỉ xử dụng tiền bạc để giúp hai đứa con và giải quyết những vấn đề căn bản trong cuộc sống. Thế nên đối với chuyện so sánh giầu hay nghèo bằng số lượng tiền tệ của hai đứa bạn, tôi chỉ thấy rất buồn cười.
Tôi không bao giờ hối hận với quyết định vượt biên vô cùng nguy hiểm của mình khi xưa. Nhân quyền tôi được hưởng, những kiến thức tôi học hỏi được, những tư tưởng phóng khoáng tôi hấp thụ được từ vùng đất tự do này là vô giá. Hai đứa bạn sống một nơi truyền thông còn bị giới hạn, bưng bít, chỉ được nghe và thấy những điều đã được kiểm duyệt thì hiểu biết của chúng nó không thể chối cãi là rất nghèo nàn khi so sánh với tôi.