v à i .đ o ạ n .T Ạ P .G H I
____________________________________________________________________________Nếu tôi nhớ không lầm, khi xưa còn đi học, động từ chia xẻ được viết bằng chữ x không phải chữ s. Những năm gần đây thấy rất nhiều người viết chia sẻ thay vì chia xẻ, chả biết vì nguyên do nào. Không biết ai đúng, ai sai nhưng theo tôi nghĩ, muốn chia một cái gì đó, như một quả mít, quả bưởi, quả táo... thì phải xẻ ra. (Nhất định không thể viết sẻ một quả táo hay sẻ một quả bưởi được). Chia xẻ có vẻ đúng hơn.
"D" hay "G"?
Ngày trước khi tôi còn ngồi trong tiểu học và hai năm đầu trung học, (trước 1975) vẫn nhớ chữ dẫm như trong "dẫm lên gai nhọn...", "dẫm lên cát trắng..." được viết bằng chữ d. Mấy năm gần đây đọc sách báo trong nước thấy chữ "giẫm" được viết bằng chữ g, chả biết tại sao! Chả biết đúng, sai như thế nào. Theo tôi thấy những động từ: đi, đứng, dẫm, đạp, tất cả đều dùng chân, đều từ phía trên hành động xuống. Vậy chữ "dẫm" viết bằng chữ d ở phía trên dẫm xuống có vẻ đúng hơn chữ g ở phía dưới. (Ở phía dưới người ta thì còn dẫm đạp ai được)
Vài khác biệt.
Những năm gần đây đọc tin tức trong nước trên internet tôi thấy có một số chữ bị gán ghép rồi đem ra xử dụng một cách kỳ lạ, không hiểu nguyên do từ đâu.
Tư: Riêng tư, của riêng. Duy: Gìn giữ, duy trì. Ghép hai chữ tư duy lại để được hiểu như động từ suy nghĩ. Khó hiểu thật!
- Tâm trạng: Tâm = Tim. Trạng = Trạng thái, tình trạng. Ngày xưa hai chữ tâm trạng là danh từ, nếu chỉ nói tâm trạng, không kèm theo tỉnh từ thì vô nghĩa. Ta có thể nói: Ông ấy giờ mang tâm trạng của người bị cháy nhà. Cô ấy giờ mang tâm trạng người bị mất chồng...v..v... để diễn tả Trạng Thái Tâm Hồn của một người đang thất thần, không thể định hướng. Ta không thể nói "bài thơ này tâm trạng quá!". Vô nghĩa! Nếu như bạn muốn bán một chiếc xe, bạn nói với người mua "Chiếc xe này tình trạng lắm!". Nói như vậy bố ai hiểu được! Tình trạng là sao? Trong tình trạng tốt, hay xấu?
- Trân trọng. Trạng từ dùng để nhấn mạnh, gây thêm chú ý cho tỉnh từ hay động từ tiếp theo.
Thí dụ: Kính thưa quí vị, sau đây chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quí vị ông X, bà Z... v..v...
Trân trọng không phải là động từ. Khi tôi nói chuyện với một người trong nước, nghe cô ấy bảo "Anh không biết trân trọng tình cảm của em!". Tôi ngơ ngẩn luôn.
- Hoàn cảnh. Nếu có người nói với bạn tình trạng sinh sống của một cô gái: "Cô ấy sống hoàn cảnh lắm!". Tôi đố bạn người ta muốn nói gì đó? Người đó muốn nói với bạn: "Hoàn cảnh cô ấy bi đát lắm!". Kỳ thiệt!
- Dân tộc đồng nghĩa với chủng tộc. Thí dụ khi nói về người Mông Cổ xưa người ta sẽ nói "Mông Cổ là một dân tộc hiếu chiến". Bây giờ ở VN hai chữ Dân Tộc lại được hiểu như là "người thiểu số". Thí dụ: Nhà Thuốc Dân Tộc chẳng hạn. Có người giới thiệu với tôi về một cô gái. Anh ấy nói "Cô ấy là người dân tộc". Kỳ thiệt, dân tộc nào mà chẳng là dân tộc! Phải nói rõ hơn như Dân tộc Thái, dân tộc Khơme... v..v... người ta mới hiểu được chứ!
Những chữ: 1-Hình thức, 2-tính cách, 3-thứ hạng, đều được thay thế bằng một chữ "dạng"
1- Căn nhà này được bán dưới dạng (hình thức) đấu giá.
2- Xưởng mộc này được điều hành dưới dạng (tính cách) gia đình.
3- Đây là vũ trường dạng (hạng) B.
Chóng mặt thiệt. Ngày xưa chữ "dạng" là động từ. Không cần nói các bạn cũng hiểu là động từ gì rồi.
- Kênh. Ngày xưa chữ Đài, một từ Hán Việt được dùng để chỉ một đài vô tuyến truyền thanh hay vô tuyến truyền hình (được viết tắt là TV từ chữ Television). Thí dụ ngày xưa miền nam có hai đài được gọi là đài truyền hình số 9 và ĐTH số 7. Bây giờ các đài truyền hình được gọi là "kênh"! Thoạt đầu tôi không hiểu chữ kênh bắt nguồn từ đâu, hỏi mãi mới biết là được chuyển ngữ từ chữ Channel của Mỹ!! Giời ơi, dịch như vậy thì quá phiến diện, nông cạn! Chữ channel tiếng Anh trong lĩnh vực điện tử và điện toán còn có nghĩa là mạch điện, tuyến điện nữa. Chữ channel không chỉ có nghĩa là "kênh đào" không thôi đâu quí ngài ạ.
- Việt kiều. Thật ra dùng hai chữ này để chỉ những người Việt sống ở nước ngoài về thăm quê là sai bét. Ngày xưa người ta gọi những người Pháp, người Trung Hoa... v...v... sinh sống ở VN là Pháp kiều, Hoa kiều là đúng, vì họ là người nước ngoài tạm trú trên nước Việt của mình. Người Việt đang đứng trên nước Việt lại được gọi là "Việt kiều" là sao?
Giờ tôi mới biết tại sao khi về VN tôi cố tình ăn mặc giống người trong nước, len lỏi trong những vùng quê mà vẫn "bị" nhận ra được là kiều bào về thăm quê. Thì ra trong ngôn ngữ giữa trong và ngoài nước đã có khác biệt rồi. Nếu chịu khó ngồi phân tích sẽ còn lộ ra nhiều dị biệt khác nữa. Vài trăm năm nữa dám có tự điển để hai bên hiểu được nhau lắm à nghe!