T R Ở .V Ề ... ._____________________________________________________________________h o à i y ê n bạn hỏi tôi nghĩ gì khi trở lại quê hương sau hơn ba mươi lăm năm xa cách ...
câu hỏi nghe chừng thật đơn giản vậy mà hôm nay sau hơn một tuần lễ quay lại nơi chốn giờ đây đã là "nhà" tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời ...
khi máy bay bắt đầu hạ cánh xuống phi trường (mà bây giờ người ta gọi là "Cảng Hàng Không") Tân Sơn Nhất tôi đã nhìn quanh quất, cố tìm ra một chút gì đó gọi là thân quen nhưng đành chịu. khi bàn chân đặt xuống những bước đầu tiên nơi mảnh đất đã ươm tuổi thơ mình lớn tôi ngỡ niềm cảm xúc sẽ ùa đến như cơn thác lũ nhưng mắt tôi vẫn ráo hoảnh và tim tôi vẫn đập những nhịp bình thường ... niềm xúc động mà tôi vẫn nghĩ phải có từ một đứa con xa nhà trở về quê cha đất mẹ sau một thời gian dài xa cách dường như đã vắng bóng trong tôi. tôi tự hỏi phải chăng vì những chuyến đi công tác thường xuyên khắp nơi trên thế giới dạo gần đây đã biến mình thành dửng dưng?!!
nỗi ngỡ ngàng và sự thất vọng về chính mình còn chưa dứt thì tôi đã bắt gặp mình đứng trước một gương mặt lạnh như tiền của người nhân viên hải quan. ngày xưa tôi nghe người ta nói muốn đi qua cổng hải quan tại Việt Nam một cách trót lọt thì nên kẹp vào giữa cuốn sổ thông hành một tờ $20 dollars. trước khi tôi về tôi đã hỏi bố "thông lệ" đó có còn được áp dụng nữa không thì bố trả lời rằng không. nói cho cùng thì nếu bố có nói có chưa chắc tôi đã làm. không phải vì tôi tiếc tiền nhưng tôi vốn dị ứng với cái thói làm tiền trắng trợn như thế. người nhân viên hải quan có lẽ nhỏ tuổi hơn tôi nhưng mang một gương mặt khó đăm đăm như vừa bị ... vợ mắng. hắn không chào cũng không đáp lại nụ cười của tôi mà im lặng lật cuốn sổ thông hành của tôi từ đàng trước ra đàng sau, cẩn thận coi từng trang giấy, ngắm nghía từng con mộc ... phong cách của hắn làm tôi nhớ da diết đến những lời chào đón đon đả, đến những nụ cười thân thiện của những nhân viên hải quan ở Brazil, ở Germany, ở Ecuador ... hay thậm chí ở New Dehli ... trong chuyến đi Ấn Ðộ lần trước một người đứng xếp hàng trước mặt tôi khi qua hải quan không biết vì lý do gì mà giấy tờ của ông không hợp pháp. người ta không cho ông vào New Dehli nhưng người ta đã từ chối cho ông nhập cảnh một cách rất nhã nhặn lịch sự. người nhân viên luôn miệng xin lỗi và hướng dẫn ông qua một phòng khác. không biết có ai dạy cho những nhân viên hải quan của đất nước tôi rằng gương mặt của họ là gương mặt đầu tiên đại diện cho cả một dân tộc mà một người du khách nhìn thấy hay không ...
ấn tượng đầu tiên khi trở về là như thế đó ... hoang mang, lạc lõng và hơi ... bất mãn... cho đến khi tôi bước chân ra khỏi phi trường và nghe tiếng gọi tên mình ... không phải một đứa cháu mà là ba đứa cháu ùa ra đón tôi. có đứa cháu đã phải bỏ cả ngày làm việc cùng những cuộc họp khẩn cấp, có đứa cháu đã phải đèo bồng vợ con nheo nhóc xông xốc lên thành phố ... những đứa cháu ngày tôi ra đi còn chưa sinh ra hay chưa hết mặc quần thủng đít ... những đứa cháu mà khái niệm về tôi chỉ là những câu chuyện do bố mẹ chúng kể lại hay qua vài lời nhi nhô tôi viết trên FB.
và ... lúc ấy, khi ôm con bé cháu đã phải bỏ cả buổi chợ buôn bán ngồi xe đò hàng mấy tiếng đồng hồ để đến đón đứa cô mà từ khi bước chân ra đi chưa một lần nhìn lại ... nước mắt tôi mới chực trào ra ... lúc ấy, và ngay lúc ấy tôi hiểu trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ "trở về" ...
bạn thương yêu,
thế nên tôi sẽ không nói với bạn về cái cảm giác lạ lẫm của tôi khi về nơi chốn cũ, khi mà ngay cả những danh từ được dùng tôi cũng đã không còn rõ nghĩa (như "viện kiểm sát nhân dân"). nhưng tôi sẽ nói cho bạn nghe về cảm giác thật gần gũi khi tôi ôm những người anh, người chị của tôi trong vòng tay của mình, để nghe các anh chị nhắc lại những câu chuyện về con bé giỏi nhõng nhẽo hay mè nheo ngày xưa ấy, thân thương như cái khoảng thời gian hơn ba mươi lăm năm kia chưa từng hiện hữu ...
thế nên tôi sẽ không nói với bạn về nỗi bất an khi mà ngay cả người nhân viên của khách sạn năm sao ngay giữa trung tâm thành phố nơi chúng tôi cư ngụ cũng lo sợ bị giật mất cái phone cầm tay khi tôi nhờ anh ta đứng trên vỉa hè chụp cho chúng tôi một tấm hình lưu niệm. nhưng tôi sẽ nói cho bạn nghe cảm giác bình yên khi tôi ngồi đung đưa trên cái xích đu bên cạnh cô cháu ngắm những cây lan cô ươm tỉa, cô cháu mà chỉ mấy tháng trước đây tôi còn không biết mình có mà giờ đây đã sốt sắng làm một người mẹ thứ hai lo lắng cho con trai tôi ...
thế nên tôi sẽ không kể cho bạn nghe về cái cảm giác ngột ngạt, người xe như kiến trên những con đường mà chỉ cần một cơn mưa rào cũng đủ làm nước dâng đến đầu gối. nhưng tôi sẽ kể cho bạn nghe về những đứa cháu trai, cháu gái, cháu dâu, cháu rể từ muôn nẻo thành phố đã bồng bế con cái đi dưới một cơn mưa như thế để đến ăn với tôi một bữa ăn vội vàng, bữa ăn mà chúng tôi vì mải cười nói đến quên cả chụp một tấm hình để ... khoe trên FB.
thế nên tôi sẽ không nói với bạn về sự ngỡ ngàng trước vẻ phồn vinh đến không ngờ (mà hình như danh từ đương thời là "khủng") nơi tôi đã để lại sau lưng khi người ta nói đến từng triệu triệu dollars cho một căn nhà nghỉ mát mà người ta xây lên không đủ để bán ... những căn nhà mà phải có quốc tịch Việt Nam mới mua được ... nhưng tôi sẽ kể cho bạn nghe về cái cửa tiệm nhỏ xíu mà cháu tôi phải mất bao nhiêu năm trời mới dành dụm để gầy dựng (cái cửa tiệm mà nó ... giấu không dám cho cô nó mở hàng).
bạn hỏi tôi nghĩ gì khi trở lại quê hương sau hơn ba mươi lăm năm xa cách ...
bạn có trách tôi là một đứa mất gốc hay không nếu tôi bảo với bạn rằng dường như tôi không thương cái "mảnh đất" ấy cùng những gì nó đang biểu tượng bằng những con người thật tầm thường không danh phận chức tước tôi đã có dịp gặp gỡ trong vài ngày ngắn ngủi nơi tôi đã khóc tiếng chào đời ...
như vòng tay ôm thật ấm áp cùng lời trấn an thật chân tình của cô bé tôi chỉ mới gặp lần đầu:
- cô chú yên tâm, con coi J. như em trai của con. con sẽ trông chừng và chăm sóc cho em. con đã từng sống xa nhà nên con hiểu nỗi lo lắng của cô chú như niềm lo lắng của ba má con xưa kia.
như sự tin tưởng không ngờ còn hiện hữu nơi cái đất nước nghèo nàn lúc nào cũng phải giành giật để sống ấy của chú bé lái taxi chỉ lớn hơn con trai tôi vài tuổi:
- con không có tiền để thối lại cho cô bây giờ. cô cứ vô nhà thờ xem lễ đi, xem lễ xong cô gọi cho con đến đón cô rồi con lấy tiền luôn.
như cái miệng cười móm mém bình dị rất đáng yêu của bà già bán rong trước sân ngôi nhà thờ "màu hồng", bà lão không mời mọc kêu nài chúng tôi mua bán bất cứ một thứ gì:
- ở bển mới dzìa hở ? ... ai ở bển nước da cũng trắng bóc hà, dòm lờ biếc ...
bạn thương yêu,
bạn hỏi tôi nghĩ gì khi trở lại quê hương sau hơn ba mươi lăm năm xa cách ...
câu trả lời vốn phức tạp như những cảm xúc vui buồn trộn lẫn rối bâng nơi tôi về cái quyết định trở về Việt Nam làm việc thiện nguyện của thằng con trai tôi thương bằng tất cả những gì mình có.
như cái nhói đau nơi lồng ngực khi nghe con vô tư chí chách:
- con phải tắm thật nhiều lần tại khách sạn của ba mẹ mới được vì ở ký túc xá con không có nước nóng tắm ... nhiều buổi sáng thức dậy còn không có nước, còn cúp điện thì khỏi phải nói ...
hay như niềm vui đến vỡ òa khi nghe thằng bé nói chuyện với những người chung quanh bằng tiếng Việt Nam với một cái giọng trọ trẹ đầy âm hưởng "ngoại quốc". thứ tiếng mẹ đẻ mà chúng tôi đã không làm tròn bổn phận để dạy cho con.
như sự lo lắng choáng ngợp đến nhiều khi bóp nghẽn con tim vì những hiểm nguy không tên nơi một quê hương tôi đã không còn quen thuộc song song với nỗi ấm áp vô biên khi nghe con nhận xét chia sẻ về phong tục tập quán nơi tôi đã sinh ra. những nhận xét mà con phải sống mới cảm nghiệm được trọn vẹn:
- người Việt Nam thật lạ lùng mẹ nhỉ ? người ta có thể làm mọi thứ cho gia đình họ hàng mà không câu nệ xa hay gần ...
hôm nọ khi hai mẹ con ngồi đong đưa khuấy nước bên cái hồ bơi trong khách sạn nó đã bùi ngùi nói với tôi:
- vậy là con đã xong được một phần tư đoạn đường rồi đó mẹ. mai mốt khi trở về Mỹ con sẽ nhớ Rạch Giá lắm ...
tôi lại nghĩ đến câu trả lời của nó một năm trước khi tôi hỏi tại sao nó lại muốn về Việt Nam làm việc:
- vì Việt Nam là một phần trong con mà con không hiểu ...
vâng, có lẽ không ai có thể thật sự yêu thương và nhớ nhung một điều gì mà người ta không am tường hiểu biết ...
bạn hỏi tôi nghĩ gì khi trở lại quê hương sau hơn ba mươi lăm năm xa cách ...
... tôi dành câu trả lời đó lại cho bạn ...
(cho những người tôi đã may mắn gặp gỡ trong một tuần lễ tại nơi bố đã "cắt rốn" mẹ đã "chôn nhau" tôi
cho J. và mãi mãi cho J. - đôi khi mẹ vẫn thường tự hỏi là mẹ nuôi con lớn hay là con giúp cho mẹ khôn!)
11.1.17