THƠ........TRUYỆN / TÙY BÚT......TRANH ẢNH.......NHẠC / GHI ÂM........ĐỘC THOẠI......TUYỂN
E-CAFÉ........HOA THƠM CỎ LẠ.......CHUYỆN PHIẾM.......NỮ CÔNG / GIA CHÁNH.......HỎI / ĐÁP









v ă n
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i


12664


Image

m á
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i



Con về thăm má mươi ngày.
Thắp nhang trên bàn thờ ba xong, con vừa quay ra, má hỏi :
Sao con về chơi ít ngày quá vậy ?

Sáng bữa sau thức dậy, con đang lách cách pha cà phê. Má đã tiếc rẻ, đếm lui đi một ngày vui.

Khi con về thăm má, ở lại vài tuần. Má nói sao chẳng được lâu hơn ?


Con lớn rồi,
Không phải má đã từng mong cho con « Chân cứng, đá mềm » sao ?
Khi con đi ra bên ngoài, má đừng vén rèm, đứng nhìn con sau cửa sổ.

Khi vuốt tóc con, má đừng băn khoăn nhìn những sợi bạc.
Tuổi hạc của má làm con lo sợ nhiều hơn.



Má à,
Ngày mai, hết ngày nghỉ phép.
Khi con đi, má đừng ra cửa đứng ngó theo con làm gì nghe má !

Con sẽ không ngoảnh lại, vì con biết má sẽ không làm theo những gì con dặn.
Tháng ngày của má bây giờ chỉ còn dừng lại bên bực cửa, nhưng má vẫn không cam lòng nhìn sỏi đá làm đau chân con.

Nếu má biết,

Mới trước đây thôi, khi cháu của má đi học, con cũng đã tần ngần nhìn theo những bước chân son.

Má ơi,
« Nước mắt chảy xuống »
Giọt trước giọt sau y như nhau.
Con đã làm mẹ, có lẽ nào con cản được má đâu !



*Cho ngày Vu Lan




12669


Image

m ù a .s ă n
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i




1.

Tôi không biết chắc đó là khoảng thời gian nào.
Hai năm trước khi tôi mới dọn về đây. Sau đợt lạnh mùa đông, một buổi chiều, sau chuyến đi săn, ông hàng xóm đem sang cho tôi một con vịt trời, lông nó mầu nâu xám, trên cổ có một đường viền màu xanh biếc.

Buổi tối, cơm nước xong, tôi nấu nồi nước sôi rồi ngồi vặt lông con vịt tới gần mười giờ đêm.
Nó nhỏ nhưng mập mạp. Khi tôi vuột đi đám lông trên ức nó, tôi thấy có nhiều vết thủng lỗ chỗ. Những viên đạn chì nhỏ xíu còn dăm trong da thịt. Tôi liền nhấc nó lên thì thấy hai ống xương chân nhỏ xíu bị gẫy lìa. Con vật khốn khổ trước khi chết chắc chắn đã chịu nhiều đau đớn. Tôi thẫn thờ, tôi muốn gói hết cả lại, nắm lông vấy máu và tấm thân nhỏ nhắn, tôi đem vứt hết cả đi là xong. Nhưng như vậy thì tôi rẻ rúng nỗi đau của nó, nó chết chẳng để làm gì, mà cho dù nó có nằm yên ở trong góc vườn nhà tôi, thì đến mùa săn ông hàng xóm vẫn cứ đi săn.
Con vịt đã làm sạch lông rồi mà sao máu nó vẫn loang ri rỉ. Con vịt tôi mua ở chợ đâu có vậy?

Bạn đồng nghiệp trấn an tôi. Người ta đi săn vì cái thú săn đuổi và nhờ vậy cũng làm cân bằng sinh thái. Con chó săn cắn chân cho con vịt chết và hết đau. Đừng có sợ, con vịt chảy máu vì nó còn tươi, bổ hơn thịt mua ngoài chợ.
Sau đó là bọn họ nhao nhao hỏi tôi định nấu món gì.

Nghe lời khuyên của ông hàng xóm, tôi giữ con vịt trong tủ lạnh hai mươi bốn giờ cho thịt nó mềm.

Con vịt trời ăn đâu thấy có gì ngon.


2.

Những bầy chim bay thành đàn, vật vờ giữa trời, chắc giống chim này nhỏ thôi, chúng không bay cao lắm chỉ làm thành một đoàn trên nền trời, trông như một tấm lưới rộng, màu đen. Tấm lưới ấy dập dình bay ngang qua xa lộ rồi đột nhiên dừng lại, thoắt một cái đổi hướng bay thụt lùi trở về chỗ cũ.
Có phải chúng đang chuẩn bị cho mùa thiên di?

Trên những cánh đồng mênh mông, thẳng tắp, thỉnh thoảng vẫn thấy những con vật nhỏ bé, không biết là gà rừng hay chim cút, chúng chạy le te lúp xúp giữa ruộng. Cũng may, chưa có ai nghĩ đến chuyện đặt bẫy những con vật này

Cũng không có ai đi săn cò.
Con cò chỉ bị sáo măng trong ca dao. Nghe nói cò dai nhách, không có thịt.
Con cò thích bầu bạn với trẻ con trong giấc ngủ, người ta làm thơ cho cò cho vạc như Chế Lan Viên.


3.

Một hôm, tôi thấy mình bay lên trời, đạn từ dưới bắn lên tua tủa, thân thể tôi bị trúng đạn lỗ chỗ. Tôi vẫn cố bay lên, gió thổi vù vù, gió làm cái cánh bị thương rách thêm một lỗ lớn, cánh rách làm sao bay Tôi rơi xuống trên một cánh đồng.

Tôi chả là cò hay vạc, tôi là con diều giấy rách toạc trơ nan tre.
Gió vẫn phần phật...

Tôi giật mình tỉnh dậy, run rẩy kéo một chéo mền mà người kia đã cuốn hết quanh mình, nghe lầu bầu
...ngủ đi!

Tôi bước xuống giường đi khép lại cánh cửa sổ đêm qua quên cài, bị gió bật tung.
Cũng đã gần sáng, cả khu phố còn đang yên giấc dưới hai hàng đèn vàng cũ kỹ.
Tôi đi pha một cốc cà phê, mở máy lên, kiếm site nào có trang khoa hoc huyền bí để coi đoán mộng.
Tôi ngồi đọc tất cả những giấc mộng của những người khác, tôi muốn xem lời giải đoán của những người mộng giống tôi.
Nhưng trước hết, tôi phải xem tôi mộng ra thế nào.
Tôi mộng bay lên trời, mộng bị săn đuổi, hay mộng hóa diều đứt giây?

Một nửa kia của tôi từ nhà tắm đi ra, mặc áo, uống cà phê, mang giày.
_ Này, trễ rồi đấy! Bộ hôm nay không đi làm chắc?


Image


12829


Image

D Ã .Q U Ỳ .Ơ I !
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i




Trời đã ngả về chiều, căn gác nhỏ vẫn nóng hừng hực.
Hơi nóng kèm theo tiếng ồn của khu xóm lao động, làm tôi muốn nghẹt thở. Ráng làm cho xong mớ sổ sách mà mồ hôi cứ tuôn nhễ nhại.

Anh em thằng Thịnh đã đi bơi từ hồi xế trưa.
Cứ nghĩ tới cái hồ bơi chật ních người, kẻ lội qua, người lội lại bì bõm, là tôi càng thêm ngán ngẫm. Tụi nó chê tôi khó tánh. Mặc cho tụi nó nói gì thì nói, thấy hai anh em thường xuyên mua thuốc lác hiệu Ông Già, xức vô rồi vừa quạt vừa xuýt xoa vừa nhảy tưng tưng là tôi thấy sợ.

Tụi tôi ba đứa con trai ở chung một căn gác trọ. Chủ nhà ở tầng trệt, tụi tôi ở trên lầu. Nhà vách ván, mái tôn. Một thùng phuy nước mỗi ngày chung cho ba đứa. Như vậy cũng đã là rời rộng lắm rồi, vì chủ nhà trọ mỗi ngày phải đi câu nước từ nhà kế cận. Xóm này không phải nhà nào cũng có đồng hồ nước. Nhà nào đi câu nước thì phải trả tiền lại cho người có đồng hồ, kiểu bán nước này rất phổ biến trong các xóm lao động nghèo.

Nắng hướng Tây còn nóng hầm hập.

Tôi mở cánh cửa sổ nhìn xuống sân, giữa nhà trên và nhà dưới là một khoảng sân nhỏ tráng xi măng, chủ nhà trọ căng mấy sợi dây để phơi đồ, đây cũng là nơi lặt rau, rửa chén, giặt giũ... Dì Hai chủ nhà đang sửa soạn nấu cơm chiều. Tôi muốn tắm cũng phải chờ đến tối, như vậy cũng tiện, vì tắm sớm thì buổi tối lại nóng nực, nhớp nháp.
Bất giác tôi ngó lên cửa sổ căn gác nhà bên trái. Tối hôm qua, tôi tắm gần xong …đêm trăng mát mẻ, tôi cao hứng vừa ngửa cổ xối nước, vừa ca tân nhạc…Đột nhiên, tôi thấy một cái đầu lấp ló sau khung cửa sổ trên cao, vừa khi tôi nhìn lên thì cái đầu đó thụt vô, rồi tắt đèn .
Từ bữa đó, mặc dù sân sau đêm nào cũng tối thui, trừ những đêm trăng. Mỗi khi đi tắm, tôi đều lấy quần cụt bận đàng hoàng, không dám tào lao như trước.
Hai đêm sau, tôi lại thấy cái cảnh tương tự, nhưng lần này cái bóng đen chừng như lưỡng lự…nhưng rồi cũng thụt vô, biến mất.
Tôi quyết định dò hỏi em của Thịnh. Thằng Trị tánh như con nít, ngoài giờ học nó ưa đàn đúm với bọn trẻ trong xóm. Chỉ một buổi là nó cung cấp cho tôi đầy đủ chi tiết về căn nhà bên trái.
Nhà đó, nó nói:
Ông Sáu bị bịnh suyễn, không có đi làm. Chị Lựu học trường Bồ Đề, bây giờ nghỉ học, chỉ phụ với má chỉ, buổi sáng bán bánh cuốn nhưn thịt gà ở ngoài đầu hẻm.

Cô Lựu và đứa em trai là con riêng của bà Sáu Cẩm.
Lựu không đẹp, cũng không gọi là xấu, tôi chỉ thấy nét mặt nàng có vẻ buồn buồn.

Xóm này nhà cửa chen chúc, nhưng đó đây cũng còn vài khoảnh đất trống, hoa Dã Quỳ mọc thành từng khóm lớn. Dưới ánh nắng gay gắt, màu cúc vàng càng phô bày nét rực rỡ hoang dại.
Nhà trọ của tôi và sân sau nhà Lựu cũng được ngăn cách bởi một hàng rào Dã Quỳ.
Làm quen với Lựu không khó, tôi chắc Lựu cũng thích tôi. Nhân lúc bà mẹ không có ở đó, tôi trả tiền dĩa bánh cuốn, rồi cầm luôn tay nàng. Lựu cúi mặt không nói gì.

Buổi hẹn đầu tiên. Sau khi đi uống nước mía, tôi đưa nàng ra bến tàu hóng mát. Lựa một chỗ hơi khuất, tôi trải chiếc khăn tay cho nàng ngồi. Vừa ngồi được một lát, có mấy đứa nhỏ đi tắm, nhảy ùm xuống sông, nước văng tung tóe... Tôi ôm vai nàng kéo lại cho khỏi ướt, Lựu mặc một chiếc áo lụa màu vàng, cổ rộng, tôi thấy thấp thoáng một khoảng da thịt trắng mát... Tâm sự với Lựu hồi lâu, mà tôi cũng chưa tìm được lúc nào thuận tiện để hỏi, có phải chính nàng đã đứng bên cửa sổ lúc đêm khuya?

Tôi vẫn tắm ban đêm như thường lệ.
Hồi nhỏ khi tôi kể tôi thấy ma, chị tôi nói tôi là thằng giàu trí tưởng tượng. Nhưng bây giờ tôi có cảm giác rõ rệt là cái bóng đen đàng sau khung cửa... ngó tôi lâu hơn.
Đó cũng là lý do khiến tôi táo bạo hơn với Lựu. Những lần hẹn hò sau, tôi tấn công nàng tới tấp... Cho tới một bữa, nàng đột ngột đẩy tôi ra rồi đứng dậy bỏ đi thẳng một nước.
Tôi chạy theo nàng.
_ Bộ em giận anh hả?
Lựu rút tay lại, không trả lời.
Tôi vã lã:
_ Anh chàng nào ngồi kề bên em, mà tay chân không động đậy táy máy... thì chắc là anh chàng đó đã bị mất đi một bộ phận gì rồi!
Nàng mím môi, ngoe nguẩy bước đi.

Tôi ăn bánh cuốn liền một tuần lễ, mong được gặp Lựu để giải bày, nhưng chỉ thấy má của nàng ngồi bán hàng.
Buồn quá không biết làm gì, tôi đi học thổi sáo. Đời xưa có anh Trương Chi... Tôi cũng tính mượn âm nhạc để bắc cầu lại với Lựu.

Ông thầy đăng báo dạy nhạc miễn phí. Buổi học đầu, mỗi học viên nộp năm trăm đồng để mua ống sáo. Tập nhạc quay rô nê ô thầy phát không.
Mỗi chiều lúc tắt nắng, tôi biết Lựu ngồi vặt lông gà ở bên kia hàng rào Dã Quỳ, nên ở bên này tôi đem sáo ra tập:
Tò... tò tò... tít…tít... tí tò... ò...
Được vài bữa, thì thằng em nàng kêu tôi:
_ Anh... gì ơi, ba em nói, anh để cho ba em nghỉ chút!

Tôi học thổi sáo được chừng ba tuần thì thầy tôi bận việc, phải về quê ít bữa.
Bây giờ tôi đã thổi được:

♪ ♫... Tí tí te tò... tò te ♪ ♫... tí te tò tí... ♫ ♪
Tò tò te tí... ♪ ♫ ♪... tí... te... ♪ ♫... tí te tò tò...

Tôi thổi rất nhiều lần nhưng vẫn không thấy bóng nàng, dường như Lựu cố tình lảng tránh tôi.

Sau đó thầy tôi không trở lên nữa. Lớp nhạc miễn phí đóng cửa.
Ống sáo tôi treo lủng lẳng trên vách coi thiệt buồn. Mọt đục, bột gỗ rớt trên bàn lấm tấm...

Vài tháng sau, Lựu đi lấy chồng. Đám cưới không cần xe hoa, vì chồng nàng là anh Tám thợ bạc ở xóm trong.

Một bữa đi làm về, tôi thấy xe cảnh sát đậu ở giữa xóm. Ông Sáu, cha dượng của Lựu bị hai người cảnh sát dẫn lên xe.
Có tiếng xầm xì trong đám đông:
_ Cho đáng đồ quỉ, ai đời thằng chả đi rờ mò mấy thằng con nít nhỏ!

Tôi ngạc nhiên choáng váng...
Má nàng vật vã, kêu khóc rầm rĩ.
_ Chẳng thè ôn đi kiếm gái, rứa mà tui còn đỡ dục! Khổ biết mấy... chi mà vô hậu...

Bà Sáu Cẩm không dè... mà tại sao tôi cũng không nghĩ ra?
Tôi đã hiểu lầm tai hại về nàng, nên tôi đã để hạnh phúc vuột mất trên tay...

Buổi chiều đã tắt nắng, nhưng căn gác chếch mái về hướng Tây vẫn nóng hừng hực, khóm Dã Quỳ thiếu nước, những bông hoa vàng gục mặt phất phơ.

Phải chi, tôi cũng nằm lăn ra đất, khóc rống lên được như má của nàng!


Image


12866


Image

c á n h .đ ồ n g
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i




Thành phố ngày càng kẹt xe, càng ngày càng nhiều bụi bậm, tiếng ồn.
Trên các báo quảng cáo nhà bán, phòng cho thuê…thường ghi rõ : nhà thoáng mát, yên tĩnh, có vườn riêng, hoặc lối đi riêng.

Càng ngày, sự yên tĩnh càng cần thiết.

Những khu nhà mới xây cất, nằm quây quần lại thành từng xóm nhỏ, yên tĩnh và khang trang giữa những vòm cây xanh mướt. Có nhiều khu nhà nhìn từ xa, như lọt thỏm giữa cánh đồng.

Buổi sáng đi làm, quốc lộ chạy dài thẳng tắp, thênh thang.
Trên cánh đồng xa, một hàng cây quạt gió éolien màu trắng nổi bật trên nền trời, xe chạy đến gần, càng thấy rõ, có đến hai hàng, rồi ba hàng …dần dần thành ra một cánh đồng cây quạt gió, sừng sững như những tên khổng lồ trắng toát, đứng quơ tay giữa trời.

Giữa chốn quê hẻo lánh.
Những cánh quạt xoay chầm chậm, hòa điệu với buổi mai trong trẻo và những buổi chiều êm. Chúng chẳng lạc lõng hay buồn tênh.

Trên cánh đồng lúa mì đã gặt, gió rất nhẹ.

Cánh đồng ôm gốc rạ nghỉ ngơi, tĩnh lặng, nhưng không quạnh quẽ.

Không ai thích quạnh quẽ, vì quạnh quẽ thì rất buồn.


Image


12950


Image

C À .P H Ê .P A R I S
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i




Cà phê Pháp nổi tiếng, nhưng có lẽ không phải là ngon nhất thế giới về hưong vị, có chăng là dân Tây đã kết hợp cả hương cà phê và nhịp sống rộn ràng, thanh lịch vào cái tách nhỏ sánh đen ấy.

Tất cả đã như một thói quen hàng ngày, nó đã tạo nên một phần trong những sinh hoạt phải có của Paris. Cho nên, nếu muốn gửi tặng cà phê cho bạn bè ở phương xa, có lẽ phải tặng cả cái vỉa hè Paris nữa thì mới đủ.

Uống cà phê chẳng phải là thói quen chỉ dân Tây mới có. Người ta thưởng ngoạn cà phê ở mỗi nơi mỗi khác.

Ở bên mình, những quán cà phê bình dân trong các khu lao động, sáng nào cũng đông khách. Người ta pha cà phê trong một cái túi vải lớn, bàn tay người chủ quán nhanh nhẹn, sang sớt, chắt lọc nhiều lần... cuối cùng, cà phê được đựng trong một cái ấm to, đặt trên bếp để giữ nóng. Do sự pha chế đặc biệt như vậy nên nó còn được gọi là cà phê «bí tất».

Sang hơn, thì đến những quán cà phê trên đường Tự Do, đường Lê Lợi chẳng hạn, khách đến đây gọi cà phê phin, rảnh rang thi vị, ngồi chờ từng giọt đắng rơi xuống đáy cốc.

Ở Nữu Ước thì thấy nhiều người đi trên hè phố với ly cà phê to tướng, vừa đi vừa uống trên đường đến sở làm. Cà phê bên Mỹ thường pha loãng, có thể dùng thêm đường hay sữa tươi tùy thích. Ở Las Vegas, cho dù chưa đi vào sòng bài, mới chỉ ở phòng ăn khách sạn, cà phê đã được tặng như một loại nước giải khát.

Khu phố Việt ở Cali, cà phê Pháp được các tiệm ăn quảng cáo như một thức uống quý, dành cho người sành điệu. Cà phê Pháp, như chủ quán giới thiệu, được pha đậm đặc trong một cái cốc, kèm thêm một bình thủy nhỏ xinh xắn đựng nước sôi, khách tự thêm nước vào theo sở thích. Thưởng thức cà phê kiểu này, nếu thêm ít nước thì cà phê đắng nghét, còn nếu cho nhiều nước thì loãng thếch, không thấy một mùi vị gì.

Paris cũng thoải mái đón chào người anh em Starbucks.
Có ai đến khu Opéra ồn ào huyên náo, chắc khó thể nào quên cảm giác dễ chịu, ngồi trong một căn phòng lớn với lối kiến trúc Haussmann cổ xưa, khách ngồi dựa êm trong chiếc ghế bành, với những cốc giấy Starbucks coffee to tướng, chọn những chiếc bánh ngọt hay mặn, vừa ăn vừa tán gẫu với bè bạn, bỏ mặc gió tuyết bên ngoài.

Quán cà phê ở Paris dù to hay nhỏ cũng đều có nét giống nhau, quán nào cũng có nhiều đèn, màu đèn vàng ấm áp, mời gọi một chỗ ngồi yên tĩnh, một góc riêng tư... Người ta đến đây, nhiều khi để bàn chuyện công việc. Cũng có khi vào gọi một tách cà phê, chỉ để thoải mái ngồi nghỉ chân sau khi đi mua sắm…Có khi bạn bè kéo nhau vào để chuyện vãn... Người hầu bàn, thường là đàn ông, mặc sơ mi trắng, ngoài khoác một chiếc gilet đen, quần tây đen, tạp dề trắng dài quá đầu gối. Ông ấy sẽ đem đến cho khách một tách cà phê đen nóng, đầy bọt nâu mịn. Trong chiếc đĩa tách, ngoài chiếc thìa nhỏ nhắn, là một viên đường, một viên chocolat bọc giấy xinh xắn, và một mẩu giấy tính tiền nhỏ xíu, đặt trên bàn.

Mỗi tách cà phê giá từ 1 đến 3 euros, tuỳ theo vị trí quán cà phê ở đâu, tại Paris 16, hay bên bờ sông Seine, hoặc ở ngoại ô. Nhưng cái tách cà phê thì ở đâu cũng từa tựa nhau, tách bằng sứ dầy, độ dầy đủ để giữ cà phê nóng lâu, tách nhỏ mặt thoáng hẹp, để đừng làm hương vị cà phê bay mau, và không làm tan nhanh chất bọt nâu sánh ở trên mặt.

Quán cà phê không chỉ bán cà phê.
Tùy theo sự tài hoa của người đầu bếp, khách có thể được thưởng thức một tách cà phê đen, với một cái bánh ngọt nhỏ xíu. Hay nếu bạn yêu cầu một café gourmand, người ta sẽ đem ra cho bạn một chiếc khay, trên ấy là tách cà phê kèm theo ba hay bốn chiếc bánh khác nhau, nhưng chúng giống nhau ở chỗ, tất cả đều rất nhỏ, và được trình bày một cách xinh đẹp đỏm dáng. Đó là những chiếc bánh mignardises để dùng với cà phê.

Hầu như ở bên Tây, người ta uống cà phê suốt ngày đêm.
Quán mở cửa rất sớm, khách vào gọi cà phê buổi sáng có thể mua thêm một chiếc bánh croissant, mấy chiếc bánh mì ngọt này thường được đặt trong một cái rổ nhỏ xinh xinh trên quầy cà phê. Khách uống cà phê đứng tại quầy thì giá tiền rẻ hơn là ngồi ở bàn, không hẳn là vì họ uống xong rồi đi ngay, trái lại, có nhiều người đứng chuyện trò hồi lâu. Người ta vào quán, gọi cà phê hoặc vài loại thức uống nóng, và ít khi cần thêm, do đó, khi người hầu bàn đem cà phê ra, họ đem theo cả giấy tính tiền, đặt tất cả trên bàn. Khi uống xong, khách chỉ việc để lại tiền trên mặt bàn, bỏ thêm vài xu tặng anh bồi bàn, rồi cứ khoác áo mà đi.

Uống cà phê trong sở Tây thì lại khác. Cái góc cà phê là nơi đến và đi trong chốc lát của nhân viên làm việc ở đó, cho nên uống cà phê ở đây thường là phải đứng, có khi cũng có mặt Sếp. Góc cà phê là nơi để uống cà phê và để bàn tán chuyện trên trời, dưới đất. Cũng là nơi để gặp mặt, chào nhau buổi sáng, và hôn xã giao!

Có khách du lịch từ trong nước đến Paris, hỏi thăm quán cà phê ở Pont Neuf, vì đọc thấy trong truyện ký. Có người yêu thơ Nguyên Sa, trở về quán cà phê cũ để hồi tưởng kỷ niệm thời sinh viên...

Nói đến cà phê Paris mà không nhắc đến Café Les Deux Magots hẳn là một thiếu sót lớn, quán này ở quận 6 Paris, nằm trên Place St Germain des Prés. Quán cà phê đã nổi tiếng gần một thế kỷ, dù đã nhiều lần đổi chủ, nhưng quán vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu, nó nổi tiếng có lẽ vì lâu đời và có lẽ cũng là nơi gặp gỡ của những danh nhân, thi sĩ, chính khách thuở đương thời.

Nếu chỉ có vậy, thì Paris không nổi tiếng với cà phê đâu.

Những dịp tình cờ, gặp bạn bè nơi góc phố, kéo nhau vào khu Latin, hay tạt vào bất cứ vỉa hè nào... Hoặc khi có người thân đến từ các xứ sở khác, ta có dịp đưa họ đi một vòng Paris, chắc chắn sẽ có một lần nào đó ngồi quán cà phê dọc sông Seine... cũng chẳng có gì thơ mộng lắm đâu, giòng sông lúc nào cũng ngầu đục, du thuyền chở khách thăm Paris ngược xuôi lên xuống, vỉa hè lúc nào cũng tấp nập người qua kẻ lại...

Mùa Hè, quán cà phê mở toang các cánh cửa xếp, bàn ghế được bày ra ngoài sân, đón khách du lịch, vừa để dân Paris uống cà phê, tán gẫu, sưởi nắng. Đây cũng là thời gian lý tưởng cho các cô đầm xinh đẹp phô những chiếc lưng trần, để hở những đôi vai tròn trịa, đón ánh mặt trời vốn dĩ hiếm hoi.
Nếu là mùa Đông thì càng có lý do, để người ta ngồi thu mình sau khung cửa kính, nhìn hoa tuyết lặng lẽ rơi mà thưởng thức tách cà phê tỏa khói mông lung …ai mà chẳng có nỗi niềm riêng?

Cà phê ở Paris có thể đến từ nhiều quốc gia khác, với nhiều chủng loại khác nhau, cách rang, ướp, khác nhau, và dù pha theo kiểu expresso Tây, hay đặc sánh như kiểu cà phê Ý, nó vẫn mặc nhiên nổi tiếng là cà phê Pháp, vì người ta đã uống cả nhịp sống Paris vào trong.

Và nếu lúc đó là mùa Thu, thì chắc hẳn tách cà phê ấy phải đem theo cả cái màn mưa nhỏ, rất xám, rất nhẹ, mờ mờ giăng trên gác chuông nhà thờ Notre Dame bên kia sông.

Cà phê Paris...

Cà phê nào cho dân bản xứ, cho khách du lịch, cho sinh viên đến từ trăm ngả, cho thợ thuyền, và cho những kẻ yêu nhau?

Có phải vì tất cả những điều ấy, mà cà phê Paris không chỉ đơn thuần là cà phê Paris?



viết lại tháng chín_2013.

Image


13030


Image

c h u y ế n .x e .l ử a .t ừ
F A N T Ô M E . V I L L E
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i




Đã từ lâu, lâu lắm rồi, không ai biết tại sao thành phố này lại mang tên thành phố ma.

Có lẽ vì phố xá vắng vẻ, dân cư thưa thớt, hay cũng có lẽ vì sự thiếu vắng những cơ sở thương mại, nó làm cho bộ mặt thành phố trở nên vắng vẻ, đìu hiu.

Để cứu vãn cho nỗi buồn tẻ này, và cũng nhằm mục đích kiếm thêm kinh phí cho việc sửa chữa phố xá cho tươi đẹp hơn, ông thị trưởng thành phố đã hết sức nổ lực, tìm kiếm mọi cách để thay đổi bộ mặt cho thị trấn.

Lâu lâu cũng có vài đoàn xiệc ghé qua, tạo sự ồn ào trong dăm hôm rồi đâu lại vào đó.

Cái thành phố nhỏ bé này chừng như bị chìm trong quên lãng của những người dân quanh vùng, nếu nó không có một nhà ga nhỏ. Tất nhiên, nhà ga cũng cũ kỹ phong sương như những con tàu.

Như mọi buổi chiều,

Chiếc loa phóng thanh đặt trên nóc ga ồm ồm thông báo, chuyến xe lửa cuối cùng sẽ khởi hành trong giây lát.

Trời tối dần. Đoàn tàu xịch xịch rời bến, lúc đầu ì ạch chậm chạp, rồi càng lúc càng chạy nhanh hơn.

Tàu chạy được mươi phút.

Người khách đàn ông sang trọng, đội mũ dạ xám khẽ nghiêng người rút bao thuốc lá ra khỏi túi áo khoác, ông ta châm thuốc rồi rời khỏi chỗ ngồi, đến bên cạnh cửa sổ... Gió đêm lọt vào toa xe mát lạnh, đẩy làn khói thuốc mỏng manh trôi ra khoảng không.

Một lát, người đàn ông nghiêng người ra phía ngoài, búng tàn lửa đỏ bay xuống con đường sắt.

Một chiếc xe lửa khác vụt chạy ngang, bỏ lại tiếng còi... tút... tút... trong đêm. Chiếc mũ dạ của người khách chợt bay theo đường tàu... lăn lông lốc.

Người đàn ông ngồi xuống... cụt đầu. Máu tuôn xối xả trên bộ com lê đắt tiền!
Hành khách trên xe đều thấy rõ, có nhiều tiếng kêu rú sợ hãi.
Những người khách bạo dạn nhất cũng phải buột miệng kêu lên sự kinh ngạc.

Người khách, hai bàn tay ngón dài trắng xanh, mò mẫm mở nắp chiếc va li nhỏ vẫn đặt bên cạnh, lấy ra một cái đầu với đôi mắt còn mở trừng trừng, ông ta đặt lại chiếc đầu trên vai, rút khăn lau vết máu trên cổ... trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt, vang dội của hành khách.

Từ khi có màn trình diễn ảo thuật đặc sắc trên xe lửa, Fantôme Ville rất đông khách du lịch.

Một đồn mười, đã có đến hai hay ba nhà hàng khách sạn mở cửa đón khách.

Đây cũng là sáng kiến của ông thị trưởng sau khi ông tiếp một người khách lạ, dáng vẻ sang trọng, người ấy mặc một bộ com lê đắt tiền may theo kiểu xưa.


Không có ai để ý, sau khi trình diễn, ảo thuật gia vừa bước ra khỏi con tàu... thì liền tan biến đi như một làn khói.


Image


13317


Image

T Ư Ở N G .T Ư Ợ N G
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i




Nếu tôi định xây một cái nhà.
Tôi nhất định sẽ chọn một khu ngoại ô thật đẹp.
Tôi không chắc,
Cái nhà của tôi sẽ có nhiều balcon hay không.
Nhưng chắc chắn,
nó sẽ có một cái toilette.
Tôi sẽ chưng ở đó một bình bông nhỏ xíu,
nhưng rất đẹp.
Có những khoảnh khắc ở trong ngày,
tôi ao ước được tìm thấy,
niềm vui,
Bên những bông hoa dịu dàng khép nép.

Tôi cũng sẽ để ở đó dăm cuốn sách…
Cũng có thể có, một cuốn dạy nghệ thuật làm bếp.
Cuộc đời có nhiều khi là một chu trình khép tròn hạn hẹp.
Hay rộng lớn hơn,
như mặt trăng và mặt trời,
Cũng có khi ở cùng nhau trên một đường éclipse.

Nhưng tôi,
chỉ có tôi là không sao bắt kịp.
Một cánh sao rơi.
Để an ủi tôi.
Khi bạn bè và hàng xóm đến chơi.
Ai cũng sẽ nói,
là nhà tôi đẹp nhất!



Image


13721


Image

d ù .c ó .
B A O .G I Ờ
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i




Cô vói tay lấy chiếc áo khoác, cầm xâu chìa khóa, rồi mở cửa bước ra ngoài.

Tháng mười hai, trời tối đen. Cô xỏ tay vào đôi găng, thong thả đi ra bến xe.
Sinh hoạt hằng ngày của cô cứ đều đều, qua bao tháng năm chẳng thay đổi. Khi cô đến trạm xe, thì chiếc buýt 6 giờ 25 cũng vừa trờ tới. Đứng đợi trên trạm xe cũng chừng ấy người. Cô lên xe, cũng từng ấy khuôn mặt hành khách, một bà béo phục phịch choàng tấm khăn dầy, ngủ gà ngủ gật. Mấy người đàn ông Á Rập ngồi lẩm bẩm cầu kinh, tay lần chuỗi. Gần đó, một thanh niên da đen đang nghe nhạc, đầu lắc lư, chân nhún nhẩy...
Cô tìm một chỗ trống ở cạnh ô cửa sổ.

Đêm hôm qua mưa, dưới ánh đèn mặt đường loang loáng nước, hơi ấm trong xe làm mờ khung cửa kính, cô lấy ngón tay xoa nhẹ lớp kính mờ để nhìn ra phía ngoài, thành phố còn ngái ngủ... Buồn tay, cô vẽ ngoệch ngoạc một cái hoa năm cánh, cô vẽ thêm một chú gà con... bỗng cô nghe bên cạnh, một giọng đàn ông

- Xin lỗi cô...

Cô cũng ấp úng xin lỗi, rồi vội vàng cầm chiếc sắc tay để lên đùi, nhường chỗ cho người đàn ông vừa lên xe. Xe chạy được một quãng, người khách nghiêng đầu hỏi

- Xin lỗi, cô là người Việt?

Vừa nói, người ấy vừa chỉ vào quyển truyện cô để ở ngăn ngoài chiếc sắc tay.

Câu chuyện xã giao giữa cô và người khách đi chung xe làm ngắn đi đoạn đường dài. Tiếng cười giòn,giọng nói trầm ấm, người đàn ông có vẻ trẻ hơn so với vóc dáng bên ngoài.
Anh xuống xe trước trạm Đại Học Xá để lấy tiếp một chuyến xe điện đi ra ngoại ô.
Cô duỗi dài đôi chân, vươn vai cho đỡ mỏi, cô còn đi tiếp năm trạm nữa mới đến chỗ đổi xe.

Trời đã sáng dần...

Hai hôm sau, cô gặp lại anh trên cùng chiếc xe buýt buổi sáng sớm, cô nhấc chiếc xách tay lên, và anh đến, ngồi xuống tự nhiên như là cô đã giữ một chỗ sẵn.
Họ vẫn nói những chuyện mưa nắng thường ngày.
Cô thấy anh nói vừa đủ, anh yên lặng nghe cô, đôi khi cô kể cho anh nghe cả những mẩu chuyện vui trong sở, anh tán đồng bằng nụ cười nheo nheo mắt... Đối với cô, cái nheo mắt ấy đã nói với cô nhiều hơn là anh nói.

Đến chuyến xe thứ mười một, thì bàn tay nhỏ xinh của cô đã nằm trong tay anh, thời tiết chừng như bớt lạnh, cô thầm cảm ơn mùa đông biết mấy!
Khi không, làm sao biết được hơi ấm và ngôn ngữ của đôi tay.

Trên mỗi chuyến xe buýt buổi sớm, ở chiếc băng ghế sau cùng, anh ôm vai cô, thì thầm kể cho cô nghe bao ước vọng của anh...
Cô cảm động siết bao... Anh nói ngay khi vừa trông thấy cô, cô như một đứa trẻ nhỏ, ngồi vẽ hoa bằng hơi nước trên cửa kính, anh nhìn thấy cô, như thấy một nỗi trói buộc êm ái! Anh biết, anh không thể nào rời xa cô được nữa.

Anh là đạo diễn phim truyện. Anh sẽ quay một cuốn phim mô tả một chuyện tình lúc mùa thu gần tàn và mùa đông sắp sang.
Phim sẽ lấy bối cảnh Paris là chính. Anh và cô sẽ tay trong tay, thì thầm hẹn ước... dưới những hàng đèn dày đặc như sao sa của đại lộ Champs Elysée.
Để tạo ấn tượng cho một đoạn kết đầy tính trăn trở, khi mở đầu phim sẽ là cảnh cô đi bộ dọc theo sông Seine, cảnh này sẽ quay trắng đen, tóc cô dài như mây, dáng gầy như liễu, cô gái nhìn theo giòng sông không trông rõ mặt...
Lòng tin khắc khoải, tình yêu đọa đày…nhưng cuối cùng họ cũng tìm được chính mình và họ nhận rõ, họ là nhau, ở trong tâm tưởng nhau... Và như thế, anh định đặt tên cho bộ phim là Trở giấc mùa đông!
Anh nâng cằm, nhìn vào mắt cô... cô nghe hạnh phúc vỡ òa, miên man...

Tình yêu anh dành cho cô quá tràn đầy, cô sung sướng trong hạnh phúc, nó quá đủ để cho cô nhận ra cuộc sống trước đây của mình quá đỗi nhàm chán.

Căn gác nhỏ cô chia phòng với người bạn gái, có hai chiếc giường đơn, nhưng chiếc giường kia thường bỏ trống, vì cô thì đi làm buổi sáng sớm, cô chỉ trở về nhà sau bốn giờ chiều, còn cô bạn thì làm ca đêm trong sân bay, đến tám giờ sáng mới về nhà. Cho nên tuy là chia phòng, nhưng cả hai đều gần như tự do, thoải mái trong nếp sống riêng tư.

Một buổi chiều tan sở, anh bị ốm, chỉ là cảm lạnh thôi, nhưng anh bị ho đến khàn tiếng. Dưới trời mưa lâm râm, cô dìu anh về chỗ trọ, cô làm cho anh một ly trà gừng thật nóng để uống tạm.
Anh ngồi đó, tóc ướt, trông ngộ nghĩnh như con chim sẻ lông xù vẫn đến đậu ở cửa sổ phòng cô.
Cô đi nấu cho anh một bát cháo giải cảm, nhà không có sẵn tía tô, cô chỉ bỏ nhiều hành và gừng. Trước khi múc cháo ra, cô còn đập thêm một cái trứng gà, cô rắc nhiều tiêu, rôì nhẹ nhàng trút ra tô.

Bên ngoài trời mưa thêm nặng hạt.
Chín giờ tối, như người chủ nhà đã giao hẹn trước, ngọn đèn trần duy nhất tự động tắt ngúm. Cô đi châm ngọn nến đỏ rồi ngồi nhìn anh ăn cháo.
Anh nói phải chi anh cảm hoài, để được cô săn sóc, cô trách anh ăn nói phỉ phui. Anh vừa húp cháo nóng, vừa cười khục khục.

Những ngày sau tuy đã hết cảm nhưng anh vẫn về nhà cô, họ ríu rít như những con bồ câu trên bậu cửa sổ.
Sau bữa cơm tối cô đi đốt nến đỏ cho anh ngồi viết kịch bản phim, nến cháy lung linh tuôn giọt ngắn dài, cô cảm động rưng rưng.
Đọc từng trang, từng giòng anh viết, niềm cảm xúc dâng lên thấm thía, cô không còn nghĩ đó là sự rung cảm từ tâm tư anh, cô tưởng đâu như chính giòng máu tự tim óc cô tuôn chảy miên man trên giấy.

Đã khuya lắm, anh ở lại.
Cô nhường cho anh chiếc giường của cô, cô qua ngủ tạm ở chiếc bên kia.
Anh chúc cô ngủ ngon.
Anh cúi xuống kéo tấm chăn đơn đắp cho cô... cô nghe một hơi thở ấm, rồi chợt bềnh bồng như rớt vào một đám mây êm ái... cô hụt chân chơi vơi chới với... giữa những con sóng bạc đầu...
Những ngày vui nối những ngày vui...

...

Anh không đến.
Hôm nay nữa, cô vẫn không thấy anh.
Đã từ lâu họ không cần hẹn, mà anh vẫn đến. Nên cô vẫn chờ hoài.
Cô sẽ còn lo lắng cho sự vắng mặt của anh biết là chừng nào, nếu không có một buổi chiều và sự tình cờ oan khiên ấy.

Cô không khóc nữa.
Những buổi tối không có anh, cô vẫn thắp ngọn nến đỏ.
Đêm nay cô mở rộng cánh cửa sổ, mảnh trăng xa vời vợi... Anh có bao giờ còn nắm lấy tay cô mà kể chuyện dưới trăng tàn?

...

Đêm đông trở giấc.
Bấc lụn, nến tan

Ơi hỡi,
Siết bao
Em nhớ chàng.

Đèn tắt, nến tàn
Chiêm bao,
gối mộng

Thương nhớ
Ơ hờ,
Em thương nhớ.

Hỡi bạc tình lang!


Image


13990


Image

b u Ổ i .c h i ề U .
S Ư Ơ N G .T A N
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i




Tôi quen nhỏ trong lớp luyện thi toán lý hóa, ở một trường tư nổi tiếng ở Saigon.
Khi ấy tôi mới chuyển trường từ miền Trung vào, lạ lùng bỡ ngỡ.
Lúc đầu tôi cũng không mấy thích vì tôi và nhỏ quá khác biệt, nhỏ là dân trường tây, đi học có tài xế lái xe đưa đón, nhỏ điệu đàng kiểu cách, nhỏ rất... tiểu thư!
Nhỏ làm quen với tôi trước, và khi hai đứa con gái vừa đẩy cửa bước vào thì phía cuối lớp có nhiều tiếng huýt sáo nổi lên, nhỏ kéo tay tôi đi lên dãy bàn đầu gần tấm bảng đen.

Dạo ấy, để thu hút học trò, các trường luyện thi đua nhau mời những giáo sư nổi tiếng về dạy, những giáo sư chuyên nghiệp ở các trường công lập được mời đã đành, mà sau này các trường còn mời được cả những giáo sư đại học về dạy luyện thi ở trường mình.

Học được ít lâu, một hôm nhỏ thì thầm báo cho tôi biết một tin rất quan trọng, lớp của tôi sẽ được phụ trách bởi giáo sư Trần Vĩnh, tôi còn đang nghi hoặc nhìn nó thì chuông vào lớp đã reo. Thầy giám thị bước vào, trân trọng giới thiệu vị giáo sư mới!

Bây giờ tôi mới biết tại sao nhỏ tiểu thư lại bí mật như thế, ngoài dáng dấp cao to, nét mặt thanh tú, thầy Vĩnh còn có một giọng Bắc trầm ấm thật lôi cuốn.
Học trò con gái rất thích giờ dạy của thầy, trái lại một số nam sinh lại trốn ra ngoài đi chơi. Chuyện tới tai thầy giám thị, thầy sợ khi đi thi tỉ lệ học trò hỏng thi làm mất tiếng nhà trường nên hôm đó thầy giám thị vào mắng cho cả lớp một trận te tua, bọn con trai nói thầy dạy không vui!
Thầy giám thị gào lên.
- Muốn vui thì đi xem hát... thi hỏng thì trắng mắt ra. Được thầy nhận lời dậy cho là phúc đấy.

Không đầy bốn tháng sau thì thầy Vĩnh bận coi thi ở trường đại học, thầy giám thị thông báo vậy, rồi sau đấy không thấy thầy Vĩnh quay trở lại nữa.

Tiểu thư buồn ra mặt.

Mùa hè năm đó hai đứa tôi đều thi đậu Tú tài toàn phần. Tiểu thư rủ tôi nộp đơn vào Khoa Học.
Gia đình tiểu thư khá giả, bố nó muốn nó lấy chứng chỉ dự bị để thi vào trường Y.

Tôi hơi phân vân vì tôi học ban văn chương, đi thi Tú Tài ban A với vốn liếng toán có hạn của tôi, vậy mà bây giờ lại ghi tên vào học một trường ban B thì công lực của tôi chịu sao cho thấu.

Hồi đó thì tôi không biết chắc, nhưng sau này nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng chính tôi đã quyết định bước chân vào khoảng sân trường râm mát ấy.

Tiểu thư vui lắm, bây giờ chúng tôi đã nghiễm nhiên ngồi trong giảng đường nghe thầy Vĩnh giảng toán. Thầy vẫn mặc áo sơ mi xanh mầu trời, vẫn giọng Bắc thật trầm.

Tôi thì thầm với tiểu thư, tôi rất thích nghe thầy thả chữ "nhé" ở cuối câu... rất êm.
Tiểu thư lắc đầu nguầy nguậy...
_ không, em thích nghe câu "chúng ta đã giao ước với nhau rằng..."
hai đứa tôi cùng cười khúc khích, vì sau câu ấy thì thế nào thầy cũng đưa ra một định đề toán học.

Khi nghe tiểu thư định may một chiếc áo dài màu xanh để mặc đi học, tự nhiên tôi thấy hơi bực
_ này, hơi lẳng đấy nhé!
Nó khẽ giật mình
_ thật hả?


Buổi trưa chúng tôi ở lại trường, cùng học bài chung dưới bóng mát của những cây cổ thụ già. Những khúc bánh mì kẹp thịt chia đôi, những trái cóc chín vàng thơm ngọt chấm muối ớt.
Nhiều khi chúng tôi cũng bùi ngùi, hết năm nay tôi sẽ ở lại học lên chuyên khoa, còn tiểu thư sẽ qua trường Y như gia đình nó muốn.

Nhưng tháng ba năm ấy, chiến tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ
Tiểu thư theo gia đình di tản rất sớm, giờ dạy của thầy Vĩnh cũng bỏ trống. Tôi ngồi một mình dưới tán lá xanh trong sân trường, nghe nhạc vàng từ chiếc máy cát sét cũ kỹ của bác thợ hồ. Lòng buồn hoang mang, không biết những ngày tháng sắp tới sẽ ra thế nào.

Tiểu thư tặng cho tôi chiếc áo màu da trời, nó viết vội vàng những câu từ giã. Bây giờ tôi mới biết gia đình nó và thầy Vĩnh có qua lại quen biết. Vị hôn thê của thầy đang học Dược ở bên Pháp, có lẽ giờ này gia đình thầy đã bình yên ở bên ấy rồi.


Ở bên kia những đại dương, cả thế giới vẫn bàng hoàng với số lượng người vượt biển tìm tự do ngày càng nhiều.
Những chiếc tàu mong manh bị sóng đánh trôi giạt, tan tành giữa biển khơi... Cướp bóc, hải tặc.
Quốc hội nước người họp khẩn cấp, cho ra những chiếc visa nhân đạo. Những chiếc tàu Pháp tản mát đi vớt người tị nạn trên biển Đông.

Ở bên này quê hương, cuộc sống cùm gông vẫn cứ bền bỉ trôi hoài.


Lúc tôi và đứa con gái nhỏ đặt chân được đến đất tự do, thì lúc đó đã là đầu thập niên chín mươi.
Tiểu thư đang ở Boston, nhỏ cho tôi địa chỉ bằng hữu ở Pháp để bước đầu tôi có thể thăm hỏi, nhờ cậy.

Khi tôi gửi cho tiểu thư ảnh của cả nhóm bạn cũ chụp chung với thầy cô, trong một dịp họp mặt, nhỏ xuýt xoa, trời ạ, không biết sau này mái tóc ông xã em có điểm xám bạc, đẹp được như thầy Vĩnh không.

Khi sang đây, thầy không còn đi dậy học nữa, thầy cô đã mở đến cái nhà thuốc tây thứ ba. Lúc nói về những ngày còn ở Saigon, thầy cũng nhắc đến những lớp luyện thi sôi nổi thời ấy, thầy bỏ ngang hợp đồng với ông hiệu trưởng trường tư, vì ông ta đã không sòng phẳng như giao ước ban đầu.

Qua điện thoại gọi cho tôi, Tiểu thư vẫn liến thoắng, vẫn nói nhiều, cười nhiều, nên tôi không có thì giờ kể cho nó nghe những chi tiết nhỏ.

Trước lúc ngồi vào bàn tiệc, tôi đi rửa tay và gặp thầy cũng ở đó, thầy ân cần hỏi tôi có phải là Phượng Các?

Tôi nói dạ không, Tiểu Thư, à không Phượng Các định cư ở bên Mỹ.

Thầy nói vì chúng tôi hay đi chung nên thầy nhầm hai đứa với nhau.
Thầy vỗ nhẹ vai tôi,
_ thôi bây giờ tôi đã bỏ dậy học lâu rồi, gọi bằng anh cho thân mật nhé!

Dù biết thầy chẳng có ý gì, nhưng tôi cũng nghe tim mình đập loạn đi một nhịp.

Khi biết tôi chưa tìm được việc làm, và đang kiếm sống bằng cách cuốn chả giò bỏ mối cho một nhà hàng ở quận 13 Paris, thầy nói để thầy tìm cách giúp, vợ thầy quen biết nhiều, hầu như mỗi cuối tuần nhà thầy đều có tiệc đãi các thân hữu.

_ Này, Tây nó thích chả giò của mình lắm đấy nhé. Thế một chục bao nhiêu?

_ Dạ, mười hai quan sáu mươi xu ạ!

_ Không, anh hỏi một chục chả giò có bao nhiêu chiếc cơ? Một chục có đầu ấy!

Thế này... nhé! Một chục, anh lấy của người ta mười bốn, anh cho em lãi thêm hai chiếc. Cuối tuần này em đem đến cho anh năm chục chả giò, vị chi là sáu mươi chiếc... nhé! Nước chấm bỏ vào trong chai cho khỏi bị đổ.

Mà này, bận sau anh lấy trăm chiếc thì phải giảm giá đấy nhé... hề hề ...

Đây, cầm lấy các vi sít của anh... ừ, cũng hơi xa, thế không có xe à?


Trong những lá thư viết cho tôi, tiểu thư thỉnh thoảng vẫn nhắc đến những buổi học ở giảng đường năm xưa, tiếc mãi sắc áo xanh dìu dịu mầu trời và một giọng Bắc trầm quyến luyến...

Thế nên, tôi không nói với nó, tôi có hẹn, chiều thứ sáu ở trước cửa chợ Tàu.


Image


14336 top -
v ă n . t h i ê n d i
1, 2, 3, 4
_______________________________________________
Chuyện Tháng Tư - thơ - Thúc Sinh _______________________________________________

Image

Có một ngày, cuối tháng tư
Buồn như nước lũ dâng từ biển lên
Bạn học chẳng dám nhớ tên
Tôi mang áo rách đi bên cuộc đời

xem tiếp...

_______________________________________________
Những Mảnh Đời Hậu Chiến - văn - Trần Bảo Toàn _______________________________________________

Image

Hôm nay, 30/04/2020, một ngày mưa rả rích, tiếng mưa như gõ vào ký ức những tháng năm quá khứ, đối với tôi ngày này chỉ có ý nghĩa là một ngày lịch sử, khi đất nước, gia đình và rất nhiều cá nhân của thế hệ cha chú và chúng tôi bước qua một khúc quanh mới.

xem tiếp...

_______________________________________________
Tình Khúc Hồi Hương - nhạc - Phạm Anh Dũng _______________________________________________

Image


xem tiếp...

_______________________________________________
Tàn Tích - ảnh - violetdehue _______________________________________________

Image


xem tiếp...