THƠ........TRUYỆN / TÙY BÚT......TRANH ẢNH.......NHẠC / GHI ÂM........ĐỘC THOẠI......TUYỂN
E-CAFÉ........HOA THƠM CỎ LẠ.......CHUYỆN PHIẾM.......NỮ CÔNG / GIA CHÁNH.......HỎI / ĐÁP







Image

n g à y .c ủ a .M Ẹ
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i



"Đêm đêm con thắp đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con. "
(Ca dao)


Ngày lễ Mẹ ở Châu Âu được ấn định vào tuần lễ cuối của tháng Năm.
Thật lòng, đối với người con hiếu thì ngày nào cũng là ngày con nghĩ về mẹ, đâu có cần chờ những người làm thương mãi quảng cáo rầm rộ để bán những món hàng kỷ niệm cho ngày lễ mẹ.
Bên cạnh những món quà xinh đẹp, những bó hoa tươi thắm lộng lẫy... còn có những điều khó nghĩ.
Khoa học ngày càng phát triển, những bệnh tật thông thường bị đẩy lùi, do vậy nếu không bị những căn bệnh hiểm nghèo, thì một cụ ông theo thống kê hiện nay, tuổi thọ trung bình có thể là 82, trong khi một cụ bà có thể đến 88. Thực tế cho thấy không hiếm người sống thọ hơn 90 , cho nên khi con cháu vòng tay chúc ông bà sống lâu trăm tuổi là chuyện hoàn toàn có thể đạt đến.
Khổ một nỗi là chúng ta đang sống ở một thời đại không giống như thời của ông bà ta trước đây. Cuộc sống vội vã đã cướp đi rất nhiều thời giờ trong ngày. Cảnh nhà neo đơn một mẹ một con. Bà con thân thuộc ở xa. Mẹ già trái chướng lấy ai trông nom?
Những loại thuốc bổ, hồng sâm, bạch sâm, nấm Linh Chi, Đông trùng Hạ thảo... chỉ giúp các cụ sống lâu hơn, mà không giúp cho trí tuệ kéo dài sự minh mẫn.
Tôi đến thăm mẹ của một người bạn, lâu lâu cụ lại hỏi "Cô này là ai? Nhà ở đâu?" khi bạn tôi trả lời thì cụ đã lại mất hút vào một khoảng không nào đó.
Bạn bây giờ đã ngoài năm mươi, vẫn độc thân, vẫn ở nhà thuê, cố mua được một chiếc xe thật tốt để cuối tuần đưa mẹ đi tiệm ăn cốt để mẹ vui, nghỉ lễ thì đưa cụ đi núi đi biển.
Nhìn nụ cười hiền của bạn, lòng tôi phân vân. Không ai biết trước cái cận tử nghiệp của mình ra thế nào.
Tôi hình dung đến một người già khi đi đến đỉnh đồi, có lẽ ta nên tập làm quen khi người ấy đang đi dần xuống phía bên kia.
Nếu có khi nào tôi biết được, con tôi nguyện gác bỏ đời sống riêng để lo chăm sóc cho tôi lúc cuối đời. Tôi xin giải lời nguyền ấy cho con.
Món quà to nhất con tôi tặng mẹ, đó là con đã thành danh, đã nên người. Tôi luôn mong mỏi con phải được sống vui vẻ, trong hạnh phúc của riêng nó.
Bên cạnh bình hoa thắm, hôm nay là ngày của những bà mẹ, tôi muốn nói "Mẹ hôn con!"


Tháng Năm _ 2014.

Image


16742


Image

T H Á N G .S Á U
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i




Tháng sáu Sài Gòn xưa,
Tháng sáu trời dành cho những cơn mưa.

Em ở đây, ướt vì cơn bão rớt.
Trời se sẽ buồn, mưa giăng sướt mướt
Nỗi sầu chông chênh, nhớ nhung bất chợt,
Kỷ niệm đong đầy, thương nhớ chất trên tay.
Tháng sáu nào trời chẳng mờ mịt gió mưa bay,
Mưa giăng mãi làm muộn phiền chết cứng,
hóa đá sỏi va vào tâm tưởng,
gợi hoài một âm xưa.

Tháng sáu nào trời cũng lắm cơn mưa,
Guốc học trò khua trên phố chợ,
Anh kéo tay em đi tìm chỗ nấp.
Áo mỏng ướt bờ vai, mưa bay lất phất.
Em ngại ngùng giữ tà áo,
Anh nghiêng tờ báo che đôi đầu.
Vỉa hè trốn mưa, anh xích gần em quá.
Tháng sáu ngày xưa, em tiếc đã chẳng nhìn nhau lâu.
Thuở còn trẻ, có ai thèm nghi ngại một mùa ngâu.
Để bây giờ nhớ tiếc.

Tháng sáu ở đây trời đổ mưa, vì trái mùa cơn bão rớt.
Buổi sáng thức dậy uống liền hai cốc cà phê.
Lưỡi đắng mầu mật gấu.
Trời đong nước đầy, trời buồn yêu dấu.
Đừng xa nhau nhé, đừng ngoảnh mặt đi.

Tháng sáu Paris,

dấu yêu ơi, ta còn lại chút gì!



Image


16909




Image

G I Ấ C .M Ơ .Ê M
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i



Họ lại giận nhau.
Đúng hơn là Sương Mai giận anh.
Hai người cùng nghiên cứu môn Động vật Học, đây cũng là chứng chỉ cuối cùng của bằng Tiến Sĩ. Theo dự tính thì sau đó họ sẽ làm hôn lễ.
Lữ Hồ là sinh viên xuất sắc nhất của bộ môn, thường được giáo sư trưởng khoa cho đi theo làm phụ tá trong các chuyến du khảo xa để ghi chép và lấy mẫu vật.
Tuần tới đây, anh và Sương Mai cũng đã dự tính một chuyến đi dài ngày, để làm luận án về đề tài côn trùng xứ nhiệt đới.
Chuyến đi đáng lẽ được chuẩn bị trong vui vẻ, hào hứng, nhưng trong khi sắp đặt tài liệu đem theo, trong quyển sách động vật của anh bỗng rơi ra một mảnh giấy. Trước khi để lại vào chỗ cũ, Mai cảm thấy tò mò, mảnh giấy có mùi thơm nhẹ, hăng hắc.. nét chữ mềm mại, ghi một cái hẹn ở địa điểm Đồi Cát nào đó, ở góc dưới ký tên « Giấc Mơ Êm ».
Chắc hẳn lại là một biệt danh, cô lẩm bẩm. Không biết đây là lần thứ mấy, cô bắt gặp những kiểu hẹn hò như thế. Bao nhiêu lời thề thốt, hứa hẹn rồi cũng trôi xuôi. Mai thất vọng đến nỗi không còn muốn nghe anh biện bạch lý giải gì nữa, gần một tuần nay, anh viện cớ cần thu thập tài liệu nên không ghé qua nhà, chuyện này rõ ràng là không bình thường chút nào, cô tắt máy điện thoại rồi đi soạn cho xong mớ hành lý, tự nghĩ như thế mà hay, cô sẽ đi tìm tài liệu và làm bài một mình, chuyến đi xa và công việc bề bộn lúc này là cần thiết cho cô quên nỗi hờn giận.
Anh không đẹp trai, nhưng dáng người thanh thoát, nước da rắn rỏi nâu đậm thừa hưởng từ người cha. Mẹ anh nhỏ nhắn mảnh khảnh. Anh giống mẹ ở đôi mắt, đôi mắt đã hớp hồn cô từ những tia nhìn đầu tiên…Mai lắc đầu, không muốn nghĩ tiếp nữa, cô cần nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến đi xa.

*
Chiếc xe đang leo ì ạch lên quãng đồi dốc bỗng lồng lên vài cái như một con ngựa chứng, rồi tắt máy nằm ì ra giữa đường.
Người tài xế nói xe bị lún cát không thể chạy được nữa, vả lại đường đi không còn xa lắm, ông ta chỉ cho Mai con đường ngắn nhất có thể đi đến quán trọ. Ông nói trước đây, trong khoảng ba mươi dặm vùng này không có hàng quán nào cả, vì ít người qua lại.
Chiếc va li có gắn bánh xe nhưng giờ đây vô dụng, nó cứ trượt lún vào cát, càng làm cho nặng thêm, Mai vừa kéo vừa thở.
Lúc lên được tới đỉnh đồi thì trời cũng đã chạng vạng, trong cảnh hoàng hôn lặng lẽ, cái lữ quán nhỏ bé chênh vênh cũng không làm cảnh tượng khởi sắc hơn được bao nhiêu.
Trên chiếc cổng xiêu vẹo, tấm biển ghi tên lữ quán đã bạc màu, một phần tấm bảng bị mục gãy đã rơi xuống bụi dứa dại đầy gai.
Hai vợ chồng chủ quán còn khá trẻ, người vợ đang mang thai. Họ tiếp cô rất niềm nở, lúc Mai đưa giấy giữ chỗ ở quán trọ, người đàn bà hỏi :
_ Tôi tưởng cô giữ chỗ cho hai người ?
_ Rất tiếc, ông ấy bận công việc bất ngờ nên không đi cùng.
Bà ta hỏi thêm :
_ Thế ông ta sẽ đến trong những ngày sắp tới chứ ?
Khi Mai trả lời là cô cũng không biết chắc, thì người đàn bà giải thích rằng chính vì quán trọ của họ ở nơi vắng vẻ, cho nên họ cần chuẩn bị tiếp đãi chu đáo, sắp đặt thức ăn đặc biệt để mong giữ khách quen.
Mai cầm chìa khóa đi lên phòng nghỉ sớm, bà chủ quán vui vẻ :
_ Cứ nghỉ ngơi đi, chúng tôi sẽ đánh thức cô dậy dùng bữa tối.

*
Không biết Mai đã thiếp đi trong bao lâu, lúc nghe có tiếng đập cửa phòng, cô bật dậy khoác chiếc áo mỏng, theo chiếc thang gỗ ọp ẹp đi xuống phòng ăn.

Dưới ánh sáng của chiếc đèn chùm treo trên trần, bàn ăn được dọn ra khá tươm tất.
Mai dùng bữa cùng ông bà chủ quán, họ muốn tạo không khí gia đình cho khách, nếu Mai thấy không thích thì ngày mai họ sẽ dọn riêng.
Bữa ăn được mở đầu với rượu khai vị ngọt và thơm.
Những chiếc bánh bột chiên nho nhỏ trộn thịt băm làm rất khéo. Một tô sa lát thật tươi lá xanh bóng, trộn dầu ô liu, mù tạt, và một loại dấm đỏ chua dìu dịu làm từ bã trái nho…Bà chủ quán hãnh diện giới thiệu đấy là sa lát hái trong vườn nhà.
Lúc người hầu bàn khập khiễng bước đến gần, Mai giật mình nhưng cố giữ vẻ lịch sự, ông ta đặt món bí tết trước mặt cô.
Ông bà chủ quán rót cho cô một ly rượu đỏ, dưới ánh đèn, sắc rượu như tím bầm, họ nâng ly chúc sức khỏe. Cô cũng cầm lấy cốc của mình…chất rượu trôi vào cổ họng liền tạo một cảm giác tê giật, mùi thơm xộc thẳng lên khứu giác, hung hãn cay nồng, cuối cùng là một mùi hăng hắc rất đặc biệt. Mai có cảm tưởng đã ngửi mùi này ở đâu, nhưng không nhớ ra.
Chất rượu cay làm cho cô không muốn uống thêm, nhưng mùi thơm kỳ lạ lại thôi thúc cô nâng cốc lên, vả lại cô cũng khó từ chối lời mời nồng nhiệt của ông bà chủ quán.
Mai hơi ngạc nhiên, giữa chốn hẻo lánh, họ tìm đâu ra thịt bò rất tươi, mềm ngọt, miếng bí tết chiên vừa sém vàng hai mặt, lớp thịt ở giữa còn tươi hồng. Mai vừa chận chiếc nỉa trên miếng thịt, định cắt thêm miếng thứ hai, thì chợt thấy người hầu bàn khi nãy đứng lẫn trong xó tối ở sau góc cột, đang giơ tay về phía cô, khiến Sương Mai sợ hãi rụng rời.
Đối diện cô, ông chủ quán rất ít nói, sau khi một mình nốc hết chỗ rượu còn lại trong chai, mặt ông đỏ phừng, hai tay khuỳnh ngang, ông nhanh nhẹn cắt từng miếng thịt thật lớn cho vào mồm, chưa xong miếng này đã nhồi thêm một miếng khác, hai hàm răng như hai chiếc ngàm lớn nghiến qua nghiến lại, huyết đỏ từ thịt tươm ra đọng bên khóe môi dầy trông như ứa máu.
Mai chợt thấy lo sợ vu vơ.
Bữa ăn chấm dứt thì trời cũng đã khuya. Cô về phòng, sau bữa tối thịnh soạn lại uống nhiều rượu, cô thấy buồn ngủ, và hơi mệt.
Bên ngoài cửa sổ, ánh trăng yếu ớt cố len lỏi qua lớp sương mù dầy đặc, cảnh vật mơ hồ, ẩn hiện, nếu không có tàn lá đen thẫm lung lay ngoài cửa sổ, cô tưởng đã lạc chân vào cõi mông lung huyễn hoặc nào.
Đêm khuya dường như quán có khách.
Mai nghe tiếng cửa mở, tiếng xì xào nho nhỏ, rồi cô giật mình vì một tiếng quát rất to, tiếng bàn ghế xô đẩy, có cái gì vỡ …có ai ngã phịch xuống thì phải.
Một lát, có người nào dừng lại ở trước cửa phòng cô, ngập ngừng rồi bỏ đi. Cô nhận ra tiếng bước chân của người hầu bàn lúc tối. Cô sợ rúm người. Anh ta cao lớn, một chân như bị liệt nên mỗi bước đi, toàn thân như bị đổ hẳn về phía trước, chắc anh ta không nói được, chỉ thấy gầm gừ trong cổ mỗi khi ông bà chủ quán sai bảo. Một chiếc mũ rộng từ cổ áo kéo thẳng lên đầu, trùm gần kín khuôn mặt, trông anh ta càng thêm bí ẩn, dị kỳ.

*
Sương Mai thức giấc khi mặt trời đã rọi qua cửa sổ. Buổi sáng, không khí thoáng đãng, đứng sau cửa, cô có thể thấy một phần quang cảnh phía dưới. Mai thấy người hầu bàn đêm hôm qua đang thấp thoáng trong ruộng mía ở phía sau lữ quán.
Cô dự tính hôm nay sau khi ăn sáng, sẽ hỏi thăm đường để đi tìm, ghi chép tài liệu cho bài thi cuối năm.
Trong các giống côn trùng, thì bọ cạp và nhện được xếp cùng một lớp Arachnida, chúng tiết nọc độc để làm tê liệt con mồi, đôi kìm nhỏ là một phần của miệng, đôi chân kìm lớn để sờ và chúng có 8 chân để di chuyển.
Cô đặc biệt quan tâm tới giống bọ cạp Bắc Phi có nọc cực độc vừa tìm thấy ở vùng này.
Mải suy nghĩ, cô đã đến gần ruộng mía.
Hôm qua bà chủ quán vừa cắt rau sa lát, vừa kể cho Mai nghe về dự tính khuếch trương thương mãi, bà nhanh nhẹn xếp những lá rau to bản, bóng mướt vào một chiếc rổ lớn, những lá rau thật dầy, chúng có một màu xanh biếc lạ lùng.
Bà cũng hãnh diện kể về thực đơn thơm ngon đặc biệt của quán, cùng những loại rượu quý chỉ nơi đây mới có.
Lữ quán Giấc Mơ Êm của vợ chồng bà là chỗ nghỉ trọ qua đêm duy nhất trong vùng này.

Người đàn ông dị tật đang lầm lỳ đánh lá mía, ông ta cầm một con dao dài róc bỏ những chiếc lá đang bám vào thân cây, làm lộ ra những thân mía non gọn ghẽ. Mai chợt thấy có mấy con bọ cạp đen nhánh vừa chui xuống đám lá, cô cúi nhìn nền đất chỗ cô đứng, dưới lớp cát có vô số những hang nhỏ, dẹp bằng hai ngón tay…Đó là hang bọ cạp, thường khi chúng chỉ ra khỏi hang đi kiếm mồi ban đêm, ở đây có lẽ vì ruộng mía quá rậm rạp, Mai thấy chúng bò lổm ngổm, những chiếc đuôi ngấn thành những đốt nhỏ, đoạn cuối cong tít, ngất ngưởng như sẵn sàng phóng nọc độc.
Người đàn ông có vẻ như không quan tâm đến những con bọ cạp ấy. Ban ngày trông ông cũng không đến nỗi quái dị như lúc đêm khuya, trái lại, ông ta như muốn đến gần Mai. Ông ta gầm gừ điều gì, tay chỉ về phía căn nhà gỗ nhỏ ở cuối ruộng mía, Mai thấy một chiếc xe gắn máy cũ. Ông ta chỉ tay ra phía con đường lớn phía xa, rồi lại ra dấu dường như có ai đó vừa chết…Mai chưa kịp hiểu ra sao, thì bất ngờ thấy ông chủ quán xuất hiện ở khung cửa nhà bếp, quát tháo ầm ĩ, người đàn ông khập khiễng đi lên phía ấy

Vào khoảng xế trưa, bà chủ rời quán trọ vì đã đến ngày sinh.

Bữa ăn tối nay vắng mặt bà chủ quán, nhưng các món ăn vẫn tươm tất như hôm qua.
Vừa ngồi vào bàn, Mai đã cảm thấy bụng đói cồn cào vì mùi hành phi thơm phức từ gian bếp, người hầu bàn đang dọn món súp thịt hầm.
Bên ngoài trời chỉ mưa lất phất, nhưng gió rít từng cơn, những nhánh cây con trong vườn run lên bần bật, ép giạt theo hướng gió…Những hạt mưa bị gió quật từng cơn vào khung cửa kính, kêu lên roàn roạt …
_ Không khéo đêm nay bão…
Cô gợi chuyện.
Tô súp nóng đã được đặt trên bàn, nó nóng đến nỗi cô tưởng nó vẫn còn đang tiếp tục sôi. Những cục thịt to, mềm rục, trồi lên trong chiếc tô lớn bằng sứ tráng men xanh, lớp mỡ vàng ngậy quyện cùng mùi rượu vang trắng, mùi kem sữa với lá thơm tây, mùi hành, mùi bơ, lan tỏa khắp phòng ăn. Một chiếc thìa to múc súp có chạm khắc dây leo thanh mảnh chạy dọc theo chiếc cán dài, một cái móc nhỏ khéo léo dấu dưới đám hoa và lá bạc, chiếc móc ấy giữ cho chiếc thìa bám trên thành tô không thể trôi tuột xuống dưới.
Sương Mai thầm khâm phục sự chu đáo và khiếu thẩm mỹ của người chủ quán.
Tối hôm nay bàn tiệc được trưng bày theo tông màu vàng, tối hôm qua đã là màu đỏ… Những ly rượu mật mía vàng sóng sánh tuy có ngọt hơn chất rượu đỏ tối hôm qua, nhưng nó vẫn để lại một mùi khó chịu hăng hắc lúc ban đầu.
Một chiếc đùi cừu đút lò còn nguyên cả tỏi vàng rộm, các loại gia vị khô ướp tẩm còn dính loáng thoáng trên các sớ thịt.
Chiếc đĩa lớn hình bầu dục trải sa lát xanh mát, chen lẫn những lát cà chua chín đỏ, bên trên là lớp thịt cừu xắt từng khoanh tròn, xếp đều đặn. Mấy củ cải đỏ nhỏ xíu tỉa cánh hoa hồng đặt xen kẽ. Trên bàn còn có một chiếc bình thấp bằng sứ trắng, đựng sốt dành cho thịt cừu.
Cuối bữa, Mai chọn món bánh flan, cô bị lôi cuốn bởi màu vàng nâu của chất đường đun chảy. Chiếc bánh trứng mềm, êm trôi xuống cổ kèm theo mùi đường đăng đắng, thơm thơm, dường như còn có pha lẫn một mùi thơm nào đó, trong mơ hồ cô nghe rất quen .

Tối nay Mai xin phép rời bàn ăn sớm. Có lẽ vì uống nhiều rượu, cô cảm thấy hơi choáng váng.
Vừa lên tới phòng, cô nằm lăn ra giường rồi thiếp đi.
Không biết cô ngủ được bao lâu.
Đang mơ màng… đột nhiên Mai cảm thấy như có một đôi còng lớn đang kẹp sát hai cổ chân, cô cố ngồi dậy, nhưng thân thể như đã bị ghìm chặt, không sao nhấc mình lên nổi. Mai la lớn, cổ họng cô khô đặc chỉ phát ra tiếng ré ré, khàn khàn…Cô vẫn tỉnh táo, nhưng tay chân như tê liệt đi, Mai nghe có vật gì di chuyển như tiếng móng sắt va chạm cồm cộp trên sàn gỗ…Thoắt một cái, dưới ánh trăng non nhờ nhờ chiếu qua chiếc màn cửa sổ, cô thấy một con vật kỳ dị nhảy phóc lên giường, hai chiếc càng to lớn khuềnh khoàng trong bóng đêm, bây giờ cô đã bị nằm ép phía dưới bụng nó, giữa những đôi chân có móc cứng như sắt.
Mai kinh hoảng nhận ra đó là một con bọ cạp rất lớn, Mai nghĩ đến con dao rọc giấy, cô nhớ rõ toàn thân con bọ cạp được bao bởi một lớp giáp cứng, phần bụng dưới của nó lại được bọc bằng chất sừng…Hai cái chân trước của con vật như hai gọng kìm quơ quơ trước mặt cô, đôi ngàm lớn nghiến qua nghiến lại, làm nhỏ rớt rãi trên mặt gối…chiếc đuôi nó cong lên, ngoặt ra phía trước đầu, chực bổ xuống...
Trong lúc sự sống chết chỉ còn trong một nháy mắt, Mai rút được cây rọc sách dưới gối, cô phải đâm cây rọc giấy này vào phần bụng dưới con vật, ở vào đoạn thứ hai. Cô không được nhầm lẫn, chỉ ở vị trí đó vật nhọn mới xuyên qua được vì nó mềm và chứa cơ quan cảm giác.
Tay cô run rẩy… cây rọc giấy vừa xuyên vào bụng, con vật đang hung hăng chợt đứng sững lại… rồi bất thần rú lên trong đêm khuya. Tuy chích hụt con mồi, nhưng tuyến nọc độc từ đốt chót đuôi của nó cũng phun ra tung tóe, nó lao ra cửa sổ biến mất vào bóng đêm.
Cô lần mò theo bậc thang xuống nhà dưới, khuôn mặt cô sưng vù, một bên mắt đang nhức buốt vì trúng nọc bọ cạp… bỗng cô kinh hoảng,
Mai hét lên, khi người đàn ông dị tật từ đâu xông ra nắm tay cô, Mai vớ lấy chiếc chày ở gần đó, nhưng người ấy giữ tay cô lại…
Cô chạy theo ông ta trong cơn hoảng loạn, họ chạy về phía căn nhà gỗ. Ông ta đưa chiếc đèn bão cho Mai cầm, rồi cuống quít đạp chiếc xe gắn máy…Gió mạnh quá, ngọn đèn chao đảo quét ánh sáng khắp nơi…Gió bật tung cánh cửa căn nhà nhỏ, bất ngờ cô nhìn thấy một xác người treo lủng lẳng, bị cắt mất bắp chân và một bên đùi...Cái áo của xác chết, Mai nhận ra mầu áo của người lái xe cho cô hôm trước.
Chiếc đèn trên tay Mai rơi xuống đất, lăn lông lốc, cô ngã chúi trên đám ruộng mía, không còn biết gì nữa…
Chiếc xe bị ngộp xăng, không nổ máy.
Cô ngất đi nên không kịp thấy con bọ cạp cái đang giơ đôi càng to lớn đang xông tới. Trên lưng nó, những con bọ cạp mới sinh đang bám lúc nhúc.

Lửa phựt cháy rần rần trên đám lá mía khô rồi lan rộng theo chiều gió...

*
Lúc những người cảnh sát đỡ Sương Mai từ trên lưng người đàn ông xuống, ông ta ú ớ chỉ tay về phía những bựng khói đang bốc lên ở phía xa xa, rồi kiệt sức quá cũng ngã xuống, ngất đi.

Cảnh sát và những người sống trong vùng rất ngạc nhiên. Cái quán trọ ấy đã bị bỏ hoang từ nhiều năm nay, ngay cả khu Đồi Cát cũng ít người qua lại, vì đường đi khó và gần đây lại thấy xuất hiện nhiều loại côn trùng có nọc cực độc.
Đám cháy bùng lên rất lớn vì mấy thùng rượu dự trữ ở trong quán, ruộng mía cũng bị thiêu rụi, nhưng cảnh sát tìm thấy nhiều khúc xương người bị chôn dấu dưới bãi rau.
Sở cảnh sát xác nhận rằng vợ chồng người chủ quán không phải cư dân ở đây.

Sự chế biến tinh vi chất rượu pha nọc độc bọ cạp để làm tê liệt nạn nhân và xẻ thịt, tin này đã làm chấn động cả thành phố. Giáo sư trưởng khoa của họ đã chết ngay ngày đầu đến quán, sau bữa ăn tối, vì ông bị dị ứng với nọc bọ cạp.

*
Vừa tỉnh dậy trong bệnh viện, Mai nói tên người đàn ông dị tật với bác sĩ, và ngỏ ý muốn đi thăm. Mai đoán chắc đó là Lữ Hồ, chất độc đã làm anh bị tê liệt thân thể, nhưng may mắn là cô vẫn nhận ra anh qua ánh mắt đêm hôm ấy, lúc anh giữ chặt tay cô.

Đêm hôm trước, lúc người tài xế bị hỏng xe đến gõ cửa xin vào trọ, rồi bị sát hại. Lữ Hồ đã định lợi dụng lúc ấy để lên báo tin cho cô trốn thoát đi, nhưng thấy cô quá sợ nên anh đành tìm dịp khác.

*
Tiệc tan, khách lần lượt cáo từ, bạn bè thân quen cũng chúc mừng họ rồi ra về.
Chỉ còn lại hai người, Sương Mai cười bẽn lẽn, cô nói lẽ ra cô phải xin lỗi anh. Lữ Hồ nắm tay cô hỏi nhỏ :
_ Tại sao ?
_ Vì khi đọc mảnh giấy tẩm rượu bọ cạp, em đã tưởng anh có bồ.

Lữ Hồ đăm chiêu, anh kể với Mai :
Mấy tháng trước, khi công trình biên khảo về bọ cạp Phi Châu của anh được giáo sư trưởng khoa đỡ đầu, các báo đã đăng tải như một khám phá mới lạ, và đã mau chóng lôi kéo sự chú ý của một số đông độc giả. Hôm ấy, một người đàn bà lạ đã đến văn phòng nhà trường gửi mảnh giấy đó cho Giáo Sư. Ông hẹn khi đến nơi khảo sát sẽ gởi tin cho anh, nhưng anh đợi mãi cũng không nhận được. Anh đang sốt ruột, thì hai hôm sau, văn phòng trường lại nhận được mảnh giấy giống y như trước, lần này thì đề tên anh, thấy lạ anh lên đường ngay, vì anh thấy có sự trùng hợp lạ lùng về địa điểm anh đã chọn ở Đồi Cát, nơi chúng mình sẽ đi du khảo, nhưng vì gấp rút quá, anh định đến nơi sẽ gọi cho em, nhưng anh không liên lạc được, lúc gấp rút anh lại để lạc đâu mất mảnh giấy.
Sương Mai rùng mình :
_ Em đã đốt nó hôm ở lữ quán Giấc Mơ Êm. Thôi đừng nói chuyện ấy nữa.
_ Phải đấy, để anh đi lấy một ly rượu chúng mình cùng uống mừng ngày sum họp nhé !


Mai ngồi trước chiếc gương lớn, cô chải nhẹ những lọn tóc óng ả .
Tiếng chân quen thuộc tiến đến sau lưng, đặt xuống trước mặt cô một ly rượu sóng sánh màu đỏ bầm, mùi thơm hắc…
Phản chiếu trong gương, Sương Mai sửng sốt thấy môt con bọ cạp to sừng sững, chiếc đuôi cong vút lên phía trước …vết thương sau gáy làm Sương Mai ngã chúi xuống, cô đưa tay vịn lấy cạnh bàn...

...như trong một màn sương mù lãng đãng, cô thấy mình đang vịn tay vào chiếc quầy rượu ở lữ quán Giấc Mơ Êm, tiếng củi reo lách tách trong lò… Bên ngoài cửa quán, mưa rơi thật nặng hạt, những hạt mưa bị gió đập dạt vào cửa kính kêu lên soàn soạt...


Image


17604

Truyện kinh dị:-))

DRD


17615

wow, chị TD tài ơi là tài chị TD ơi...HY không viết được những chuyện giả tưởng như vầy đâu. Cám ơn chị TD đã viết cho HY đọc một lèo, không như cái con bé HY ấm ớ hội tề viết một khúc nghỉ một...năm. Cũng may chứ chuyện này mà ngưng ngang để "chờ tiếp" thì sẽ tức anh ách ý...

à, cám ơn chị TD cho rượu có chất độc bọ cạp chứ nếu chị TD cho vào thức ăn hay cái bánh flan ngon lành kia thì chắc HY sẽ buồn lắm, rượu thì không sao vì HY không biết uống rượu, ngay cả champagne HY cũng không biết uống luôn đó... ngu chưa!


17629


Image

Đ À O .K É P .C Ũ
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i



Ngại đi chợ cuối tuần nên hôm qua tôi đã đi mua đủ các món cần thiết để ngày mai nấu nồi riêu cua, lúc về tôi vẫn ngờ ngợ. thấy thiếu một món gì, quả thật tôi đã quên không mua cà.

Cô em tôi vẫn hay ca cẩm: "l’ homme sans l’amour comme riêu cua sans cà chua". Vớ vẩn thật, nhưng nồi riêu mà thiếu màu đỏ thắm của cà chua thì coi sao được, thế nên chiều nay tôi phải ghé chợ, định chạy vào túm mấy quả cà rồi ra ngay.

Lúc ra xếp hàng chờ trả tiền, tôi thấy một cậu bé chừng mười tuổi, tay cầm một gói kẹo và một bịch bánh phồng tôm, tôi nhường cậu bé ra trước, nhưng nó nhớn nhác quay nhìn ra sau rồi vừa vẫy tay vừa kêu to: "ba, ba, ở đây nè" tôi thấy một người đàn ông đang đẩy một chiếc xe chất đầy hàng đang tiến tới.
Thôi rồi đành chờ thôi, bởi tôi đã nhường chỗ cho người ta mà.

Ông bố của cậu bé đang càu nhàu vì thằng nhỏ cứ tung tung cái gói bánh phồng.
_ Mầy cầm cho đàng hoàng nghe, rủi rớt bể rồi má mầy nói tao không biết lựa.

Đúng lúc đó thì thằng nhỏ làm rớt gói bánh thiệt, ông ta gầm lên rồi cúi xuống lươm gói bánh bỏ vào trong xe.

Tôi tự nhiên đứng chết sững, nãy giờ nghe giọng nói rất quen, và bây giờ khi ông ta cúi xuống, tôi thấy rõ một cái bớt lớn màu đỏ ở sau vành tai bên trái, tôi sững sờ... chàng, đúng là chàng rồi!
Chàng thay đổi nhiều quá, tôi suýt không nhận ra người năm xưa.

Chàng là bạn thân của chú Út tôi, hai chàng thanh niên hầu như cuối tuần nào cũng gặp nhau ở nhà tôi. Chú tôi có cây đàn guitar. Chàng đàn rất hay, tôi hát cũng không tệ, nên đối với tôi những ngày cuối tuần ấy thật vui vẻ, đầm ấm. Cho đến một hôm lúc tan học, tôi tưởng tôi hoa mắt khi thấy chàng đứng trước cửa trường tôi, tôi thích lắm nhưng mắc cở không nói đươc gì.
Tôi không kêu chàng bằng chú nữa, chú Út tôi chỉ cười cười:
"Xin đừng gọi chú bằng anh, để cho chú phải hi sanh cuộc đời !" (*)
Chú tôi nói quá, chứ chàng chỉ lớn hơn tôi có bảy tuổi thôi mà.

Mối tình thơ dại ấy chẳng kéo dài được bao lâu, nhưng dẫu sao nó cũng là mối tình đầu của tôi, nó mang cái dáng dấp phong lưu của một chàng trai thuở đầu đời, tia nhìn dịu êm đã bao lần làm tôi cuống quit, bàn tay ngón dài thanh thoát, bàn tay đã đưa tôi đi trên từng nốt bổng trầm...

Người ấy bây giờ đang đứng trước mặt tôi, gần trong gang tấc. Thời gian thật quá tàn nhẫn.
Bây giờ chàng không còn hất hất mái tóc trước trán khi tay còn bận ôm cây đàn, nó chỉ còn một lớp thật mỏng, đang cố dàn trải để che lớp da đầu đang bị sói một khoảng lớn, mái tóc đã pha màu xám đùng đục. Bàn tay xương xẩu đang nhanh nhẹn xếp các túi hàng vào trong chiếc xe đẩy.

Chàng không thấy tôi, hay tôi đã chẳng bao giờ hiện hữu trong ký ức của chàng?

Khi bước ra khỏi chợ tôi mới chợt nhớ có lẽ tôi đi chợ hơi lâu, vì tôi dừng xe ở chỗ đậu tạm, chỉ cho phép đậu mười phút, tôi bước mau, mong sao đừng thấy cái giấy phạt cài trên kính xe. Tôi đang vội thì tự nhiên cái túi cà bỗng bị tuột đáy, mấy trái cà chua rơi xuống, lăn tùm lum ra đất... tôi vội vàng ngồi xuống, tính lượm lên thì nghe có tiếng nói ở sau lưng.
Cái giọng thân thuộc ngày xưa ấy đang nói với tôi .

_ Kìa bác, bác có sao không, để cháu lượm giúp cho...

Tôi xúc động lắm, nhưng không thể nào nói được là tôi đang sung sướng.
Thời gian tàn nhẫn nhiều hơn tôi tưởng, tôi lí nhí nói lời cảm ơn và cầu mong chàng đừng có nhận ra tôi.



Tháng 11/2014




(*)Bác sĩ Đỗ hồng Ngọc



Image


18411




Image

G A .L Y O N .Đ È N .V À N G
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i



Cuối cùng thì họ chia tay nhau.

Sáng sớm ngày mai chị tôi sẽ phải đáp xe đò về Saigon. Ba má tôi kêu chị về để gả chồng. Chị chia tay với anh Tấn ở chợ Buôn Mê Thuột, phía trước rạp xi nê LoDo mà hồi đó tôi cứ đọc là rạp “Lò Dò”.

Tối hôm đó, anh Tấn đi kế bên chị tôi, một tay anh dắt chiếc xe đạp, một tay anh cầm tay chị tôi, đi bộ được một quãng đường, anh hát nho nhỏ:

“Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông Paris, suốt đời làm chia ly...” (*)

Tôi lẽo đẽo theo sau hai người, vào thời đó, con gái lớn như chị tôi khi ra đường phải dẫn em theo chứ không được đi một mình, còn tôi có nhiệm vụ đi theo chị tôi để làm “kỳ đà”, tuy anh Tấn đối với tôi cũng không phải là chỗ xa lạ gì, trước đây tôi cũng đã từng đưa thư anh viết, gởi cho chị tôi. Con chim nhỏ đã đưa thư đi tin lại biết bao lần, những lần ấy túi tôi đã đầy nhóc kẹo...

“Khóc đi em, khóc đi em, khó... ó... c... đi em...” (*)

Chị tôi vặn chiếc khăn mu soa thêu trong tay, chị cắn môi không khóc, chắc tại có mặt tôi nên chi mắc cở, nhưng chắc chi lòng không nhỏ lệ!

Từ phố chợ xuống xóm Chùa Khải Đoan, rẽ trái là đường Tôn Thất Thuyết, dãy đèn đường thẳng tắp, đèn thì to mà không sáng mấy, chỉ rọi cái ánh mờ mờ, vàng cạch xuống con dốc dài thoai thoải.

Anh Tấn vẫn thầm thì: “Ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn khóc... Nói chi cũng muộn màng...” (*)

Tôi không biết Ga Lyon ở đâu, khi đó tôi còn quá nhỏ, tôi chưa nghe đến Cung Trầm Tưởng, chưa thấy “tuyết rơi ngập con tàu”, nhưng hình ảnh “trong toa xe lạnh đầy” thì tôi có thể hiểu được, vì chỗ tôi ở phố núi cao, sương mù thấm áo... nên chi lúc đó tôi thấy thương chị tôi và anh Tấn dữ dội...

***

Chị tôi lấy chồng, chị sinh con sòn sòn năm một. Tôi không biết trong tâm tưởng có khi nào chị còn nhớ tới cái “Ga Lyon” ở Buôn Mê Thuột hay không. Nhưng tôi, có lẽ vì trót có mặt trong buổi tiễn em tối hôm đó, mà tôi lưu luyến hoài, âm hưởng của nỗi cách xa, và cái Ga Lyon đèn vàng cứ đằng đẵng theo tôi nhiều năm tháng, cho dẫu hình ảnh Paris đối với tôi cho tới lúc lên trung học, cũng chỉ gói gọn trong mấy cuốn sách Pháp văn của Mauger.

***

Má tôi nói, số tôi “trâu trắng”, đi tới đâu là mất mùa tới đó!

Chắc thiệt vậy, lúc tôi qua Pháp, cuối năm 92, ai cũng nói kinh tế đã trở nên khó khăn. Tôi vừa đến nhà thờ học tiếng Pháp miễn phí, vừa lo chuyện hội nhập, vừa kiếm việc làm.

Một lần tôi đi làm về khuya, trời lạnh khô, trước khi tuyết rơi trời thường trở lạnh ghê gớm, tôi kéo khăn quàng lên thật cao mà vẫn nghe lạnh nhức mũi... Ông chủ có nhã ý cho tôi đi nhờ xe đến Ga Lyon, mặc dù tôi đã từ chối, vì ga Lyon không thuận tiện cho tôi đổi tàu về nhà, nhưng không hiểu sao, ông chủ tôi vẫn giữ ý muốn đưa dùm tôi về đó.

Tôi xuống xe, tuyết đã rơi rồi, tôi đi giữa làn mưa tuyết giăng nhè nhẹ, những cánh hoa tuyết mỏng manh xoay xoay trong gió, khi tuyết rơi không gian bỗng im ắng lạ thường…

Ga Lyon bây giờ đèn sáng lắm, những con tàu từ các ngả đường hội tụ về đây, đổ khách đầy trên bến, rồi lại rầm rập ra đi. Khách đến rồi đi, chia ra muôn ngả. Bạn bè hẹn nhau nơi đây, cho dù quen mặt cũng đã khó tìm.

Tôi đã tưởng Ga Lyon trong bài thơ “Chưa bao giờ buồn thế” vĩnh viễn không còn, nó đã đi vào trong thi ca, và ở yên trong đó. Ấy vậy mà vẫn còn dịp may, và nhiều dịp may khác nữa, khi tôi lặn lội đi làm ở những nơi thật xa Paris.

Tìm việc rất khó khăn, nhất là những người không có bằng cấp chuyên môn như tôi. Tôi vẫn cứ phải đi sớm về khuya... nhà ga nào ở ngoại ô cũng gợi niềm cô quạnh, đèn ở đó cũng vẫn yếu ớt, vẫn vàng vọt. Cái ga nhỏ nào cũng da diết buồn.

Tôi nghĩ có lẽ tôi đã bắt gặp được ở đâu đó cái hồn “Ga Lyon đèn vàng” của Cung Trầm Tưởng năm xưa, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy nó thiếu vắng, trống trếnh một điều gì!

Bất chợt nghĩ rằng, nếu nhà thơ ở vào vị thế của tôi bây giờ, chắc chi, chỉ có một cái Ga Lyon mang nhiều hệ lụy? Phần tôi, đã một nửa thế kỷ trôi qua, lịch sử đã đổi thay, vị trí của tôi và nhà thơ không giống nhau, chắc chi bây giờ tôi còn cảm được nỗi buồn nguyên thủy .

“Thôi em xanh mắt bồ câu,
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau” (*)



(*)Thơ Cung Trầm Tưởng : Chưa bao giờ buồn thế ; Kiếp sau

Image


18811


Image

C U Ố I .N Ă M
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i



Năm nay Tết Nguyên Đán rơi vào thứ năm.
Cuối tuần này lại khỏi đi làm, nên thêm một cơ may thứ hai.
Vậy sao người xưa lại nói : “Phước bất trùng lai“.

Vừa đặt xong nồi khổ qua hầm.
Đã chắt riêng nước lèo để nấu nồi súp măng cua.
Đang xắt thịt để kho nước dừa…
Con gà cúng giao thừa thì chập tối mới luộc, nhưng bây giờ phải ngâm đậu, nếp để tối còn đồ xôi.
Mấy cái bánh chưng xanh cột dây đỏ…
Ngó tới lui, thấy in như còn quên một cái gì, thôi rồi quên trái đu đủ!

Năm nay chợ Á Đông bán hoa Đào rất đẹp, mau hồng tươi quyến rũ, nhưng từ nhỏ tới lớn, hễ Tết đến là đã quen với những nhánh Mai vàng rực rỡ, ôm cành Mai còn tính lấy thêm mấy bịch trái hồng khô, í khoan, lâu nay thấy bà con tẩy chay thực phẩm của mấy ông Tàu nên cũng ngán, đành thôi.
Hồng khô giống khoai lang dẻo Đà Lạt. Hồi nhỏ, ăn quà gì cũng thấy ngon lạ !
Không biết mâm Ngũ quả, chính thức là những trái gì, chỉ biết chạy ra chợ thì chộp cho lẹ để còn về cho kịp chuyến xe lửa. Nhớ đã lấy xoài, dừa, cùng lựa kỹ trái đu đủ, tính cúng rồi thì trộn gỏi tôm thịt. Mà sao bây giờ về nhà không thấy đâu, cũng không thấy bó rau quế, vậy chắc đã bỏ lộn vô giỏ người khác rồi sao chớ ?

Năm nào đi chợ Tết cũng kiếm cho được mấy trái Mãng Cầu, Dừa , Đu đủ, Xoài…để mong cầu cho suốt năm no đủ. Hồi mới qua còn dám để thêm Quít và Sung cho nó thêm quấn quit và sung túc !
Thôi kệ, cúng Cầu,Dừa,Xoài chắc thánh thần cũng biết ý xin “Miễn cầu vừa đủ xài” chớ gì !
Nhớ tri kỷ kia, người xứ Bắc, nên cứ chỉ trích cái câu khẩn cầu “Vừa đủ xài” kia là trật lỗi chính tả, nên cho là không linh.
Ổng bắt chước cầu Sung cho quấn Quýt cũng hổng được, nên cho rằng bá láp hết ráo .
Cho nên năm nay ổng gởi điện thư nói là ổng có chi cúng nấy, ổng lục tung tủ lạnh gom ra một mâm : Măng cụt, Vú sữa, Vải, Sầu riêng.
“Măn, dú, dải, sầu »
Sững sờ với cái mâm quả dị kỳ, cũng hổng dám hỏi lại ổng, ai muốn hiểu sao thì hiểu.

Đang nấu nước mắm để cài hũ dưa món, suy nghĩ mông lung…
chợt nghiệm ra rằng Phước dẫu trùng lai, nhưng vẫn thiếu… đủ ?
Sao lòng vẫn ngờ ngợ, cho dù hồi sáng không bỏ quên trái đu đủ, thì bây giờ mình cũng vẫn thiếu một điều gì đó, hay sao mà…




19225




Image

X U Â N .X Ư A .
____________________________________________________________________________
t h i ê n d i



Bà với bà ngoại tôi là đôi chị em con dì, bà là vai lớn nên bà ngoại tôi thay vì gọi bà là chị, thì lại gọi là bác, theo như người Bắc thì đấy là cách gọi thay cho các con.

Mẹ tôi kể lại, khi xưa bà bác tôi đẹp lắm, trong họ ngoại tôi, bà nổi trội hẳn lên giữa các chị em. Bà còn nổi tiếng hát hay nhất nhì trong làng.
Mãi đến năm hai mươi tuổi bà mới lập gia đình. Bà lấy chồng quan, tuy là phận thê thiếp nhưng bà rất được ông quý mến. Họ có với nhau một người con trai, nhưng người này đã chết vì dịch đậu mùa khi còn rất nhỏ. Ít lâu sau chồng bà xin cáo quan về hưu, và cũng đột ngột qua đời.
Bà bác tôi góa chồng khi còn rất trẻ. Bà về sống chung với gia đình tôi.
Bố mẹ tôi nghèo, nhà đông con, từ sáng sớm bố me tôi đã phải đi làm, bà bác ở nhà giúp mẹ tôi trông coi thằng em nhỏ của tôi, bà nhắc tôi quét nhà, dạy tôi thổi cơm, bà cười bảo tôi, những việc ấy, ngày xưa bà chả có khi nào động tay đến.

Mỗi sáng chú bán báo đều ghé trước cửa giao cho bố tôi một tờ nhật trình. Bố tôi đọc ở trang đầu, những tin tức chiến sự ở trong nước và ở cả thế giới, những vũ khí tối tân như máy bay, tầu ngầm mới chế tạo ở Mỹ ở Liên Xô…Me tôi chỉ ậm ừ, rồi hỏi ông về giá gạo, đường sữa.
Mùa xuân năm ấy, gia đình tôi ăn Tết tiết kiệm, mẹ tôi nói lá dong năm nay đắt, bà quyết định chỉ thổi xôi cúng chứ không gói bánh như mọi năm.
Nghe mẹ nói không gói bánh chưng, tôi tiếc lắm, tôi thích không khí rộn ràng của ngày cận Tết, chị tôi ngâm nếp, đãi đậu, rửa lá…căn bếp vui hẳn lên, mẹ tôi thì thái thịt, ướp thịt, bố tôi chẻ ống giang thành những sợi lạt dài, ông đem ngâm nước cho sợi dây lạt vừa dai vừa mềm cho dễ cột bánh.
Mẹ tôi thường nấu bánh từ trưa hai mươi chín, đến độ nửa đêm thì xong. Lúc nào bọn trẻ chúng tôi cũng đòi canh bánh chưng, vì được quây quần bên bếp lửa, nhưng ít có khi nào bọn chúng tôi thức được đến lúc vớt bánh.
Tôi được chị dẫn đi chợ Tết, mẹ tôi dặn chị mua cúc vàng để chưng trước cửa và trong phòng khách, trên bàn thờ thì bố tôi đã gọt sẵn một bát hoa thủy tiên. Chị tôi chọn mấy cặp dưa hấu vỏ xanh như ngọc. Chị không mua mứt vì chị sẽ làm lấy, tôi thấy ở hàng mứt kẹo, người ta đóng bánh in trong những cái khuôn hình rồng, bên ngoài bao giấy kính trong suốt màu sắc rực rỡ rất đẹp. Tôi nài chị tôi mua hạt dưa, tôi muốn mấy ngày tết môi tôi đỏ giống chị.
Dù giầu dù nghèo, ai cũng muốn sắm sửa chút gì cho mấy ngày xuân, nên chợ tết lúc nào cũng tấp nập, đông vui.

Trưa hai mươi chín tết, ông quét chợ gọi tôi, ông cho tôi một cành mai nhỏ khẳng khiu, ông bảo trông thế chứ nó tốt lắm. Ông dặn tôi đem về để ở gần bếp thì nó sẽ nở hoa. Tôi đem cành mai cắm vào cái hũ sành rồi đặt vào bên góc bếp.

Me tôi đã may sẵn cho mỗi đứa một bộ đồ mới, sáng mồng một mới được mặc. Mẹ tôi cũng biếu bà bác tôi một bộ, chiếc quần đen may kiểu lá nem, một chiếc áo cánh nâu tay dài.

Tôi cứ trông chừng hoài, suốt ba ngày tết, cành mai của tôi cứ trơ trơ không có lấy một cái nụ nào.

Khi bà bác tôi chưa về ở chung, tôi thích dẫn em chạy nhảy ngoài đường, tôi có nhiều anh em trai, nên trò chơi của tôi hầu hết cũng là trò của con trai, tôi biết leo rào đi hái trộm ổi, tôi biết bắn bi, đánh đáo, đánh chõng…Tôi còn theo bọn con trai trong xóm, trong đó có anh tôi dẫn đầu, chúng tôi lập bọn, chia phe đánh nhau với lũ trẻ xóm trong, mỗi khi chúng nó đi ngang ra ranh giới xóm ngoài. Sau những trận như thế, đầu gối tôi thường xuyên trầy sướt, không mấy khi thấy thiếu mầu thuốc đỏ thoa lem nhem.
Bà bảo con gái như tôi sau này có mà cởi váy phất cờ ! Con gái không được chạy, phải tập đi đứng cho đoan trang. Bà nói ngày xưa phụ nữ chỉ đi ra ngoài khi có việc cần, con gái phải ở trong nhà học thêu học may, học làm bếp, có thể học đàn học vẽ, nhưng không được học chữ. Vì các cụ sợ con gái biết chữ sẽ viết thư cho trai.
Bây giờ thì tôi hiểu tại sao bà ngoại tôi không biết chữ. Mỗi khi cần gửi thư cho cậu tôi, bà kêu tôi lấy giấy viết, rồi bà ngồi vừa xỉa trầu thuốc vừa nói liên tục như thể cậu tôi đang ngồi trước mặt bà, làm tôi viết trối chết.
Ấy vậy mà tôi không hiểu sao, bà bác tôi vừa biết chữ nho vừa biết chữ quốc ngữ. Thỉnh thoảng bà dẫn tôi ra tiệm thuốc Thọ Xuân Đường, bà đem theo một quyển vở mỏng có ghi chép những bài thuốc viết bằng chữ Hán, bà đọc tên các vị thuốc bổ cho họ cân, gói thành những thang thuốc vuông vắn trong giấy bản, ông thầy Thọ Xuân này tôi có quen biết, tôi thường đem đổi ở tiệm ông những vỏ quít khô, con nhện, con rết chết, vài ba con ve sầu lột xác…không biết ông làm được những gì với các thứ ấy, nhưng lần nào ông cũng xoa đầu khen tôi ngoan và cho tôi mấy quả cà na ướp cam thảo, mấy quả này được bọc xoắn trong lớp giấy có in hình ông chủ tiệm và nhãn hiệu của tiệm thuốc.
Mỗi lần tôi ăn xong cà na, hay mỗi bận tôi đốt nhang trên bàn thờ, những tờ giấy gói thuốc và những bao nhang rỗng, bà bác tôi bảo phải đốt đi, đừng vất xuống đất vì có chữ nghĩa thánh hiền, dẫm chân lên thì phải tội.
Bà bác tôi thích đọc báo nhật trình.
Khi bố tôi xem xong tờ báo, tôi ưa xem truyện tranh đăng ở cuối trang một. Bà bác tôi chỉ đọc sơ qua mục tin tức đó đây. Bà thích đọc những truyện đăng ở trang hai và trang ba, trong ấy là những truyện tôi bị cấm đọc, đó là những loại truyện ma, truyện tiểu thuyết mạo hiểm, trinh thám gián điệp. Bà bác tôi thích loại tiểu thuyết ái tình, tình cảm tâm lý xã hôi, đăng từng kỳ. Bà tôi đọc với vẻ thích thú say mê, thỉnh thoảng bà lập lại các lời đối thoại của những nhân vật trong truyện, những lúc ấy bà cười đầu ngả ra phía sau, hai con mắt nheo lại, đôi mắt cười có đuôi.
Khi em tôi đã ngủ, bà bác tôi thường ngồi bên cửa sổ đọc báo.
Từ khi bà bác dỗ em tôi ngủ, tôi thích ở nhà kéo võng để nghe bà ru. Bà không hát những bài tôi thường nghe bên chị hàng xóm, mặc dù tôi rất thích những bài có bụi chuối sau hè, tôi thích những con cá lìm kìm ru trẻ con trong mơ, nhưng tôi cũng bị quyến rũ bởi những câu Kiều, những đoạn Cung Oán dạo ấy bà ngâm mà tôi còn nhỏ, tôi chưa biết xuất xứ. Tôi nghe mãi thành ra thuộc lòng vài đoạn, bà khen tôi sáng dạ và hát hay, nhưng bà bảo tôi không nên đọc Kiều, vì sợ cuộc đời cô Kiều nó vận không hay vào tôi.
Thỉnh thoảng tôi cũng nghe bà ru em tôi :
trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán, chết đuối người trên cạn mà chơi…
Bà bác tôi cũng thường đọc thơ của một người quen, bài thơ dài nhưng tôi chỉ nhớ có một đoạn.
Tôi chỉ là người họa sĩ thôi,
Đã không sao vẽ nổi cho đời,
Bức tranh vân cẩu tang thương ấy,
Nên chỉ pha toàn sắc xám thôi… (*)


Khi ấy tôi còn nhỏ lắm, mà nghe cũng thấy man mác buồn.

Bà bác tôi có một cái rương nhỏ mà mẹ tôi cấm chúng tôi không được động đến. Bà cất trong ấy những kỷ vật thời trẻ, dạo bà còn làm vợ ông quan. Thỉnh thoảng bà lấy ra một hộp phấn chạm trổ cầu kỳ, một chiếc gương con mà mẫu hoa văn rất xưa, bà thoa một chút phấn, vấn lên tóc một tấm nhung đen mượt…Bà cười, hỏi mẹ tôi xem bà có đẹp không.
Me tôi càu nhàu nói bác chỉ vớ vẩn thôi .
Nhưng bà bác tôi không vớ vẩn. Một hôm bà bỏ đi đâu mất.
Bố tôi bỏ việc một ngày, đạp xe đến các nhà thân quen tìm bà, bà không ghé nhà ai.
Buổi tối, tôi thấy mẹ tôi chuyện trò khá lâu với bố tôi, nghe xong ông thở dài.
Khi bà ngoại tôi biết tin bà bác tôi bỏ nhà đi thì bà nổi giận tam bành, bà chì chiết :
Còn Tầu còn nhiễu Tam Giang,
Tầu về đất khách, lấy mo nang che đồ

Khi tôi hỏi chị tôi đã có chuyện gì xẩy ra ở trong nhà, thì liền bị chị tôi cốc cho một cái đau điếng.


Một hôm, bà bác tôi về, nhưng bà không ở hẳn, bà cho tôi một đồng và nhiều bánh kẹo, bà cho chị tôi một tấm vải hoa để may áo dài. Bà nói nhiều, cười nhiều , đôi mắt nheo tít lại như có cái đuôi. Bà như trẻ hơn khi trước, bà bác tôi chỉ ở nhà chơi một hôm rồi lại đi.

Một buổi sớm, chị tôi lay tôi dậy, chị bảo xuống bếp mà xem, tôi thấy một đóa hoa mai vàng tươi đang nở bung cánh trong cái ánh sáng nhờ nhờ của căn bếp, tôi chưa từng thấy một cái hoa nào đẹp hơn như thế.


Ít lâu sau, bà bác tôi về, lần này thì bà ở hản. Bà ít nói và không cười, bà lại giúp mẹ tôi trông thằng em tôi, bà ru nó giọng khàn khàn.

…một tay em cầm quan tiền,
một tay em xách thằng bồ nhìn,
em ném xuống sông
Quan tiền nặng thì quan tiền chìm,
bồ nhìn nhẹ thì bồ nhìn nổi.
Ới ai ơi của nặng hơn người…

…em đứng ở bờ sông,
Em trông sang xứ người,
Chú chiệc ơi này chú chiệc ơi! (*)


Tôi nghe lén người lớn nói chuyện với nhau, bà bác tôi phải lòng một người đàn ông Trung Hoa "phóng đãng", ấy là bà ngoại tôi bảo thế.

Khi em tôi đã ngủ say, bà bác tôi vẫn ngồi bên cửa sổ đọc báo, bà vẫn thích những truyện tiểu thuyết ái tình, tình cảm tâm lý xã hội đăng mỗi ngày ở trang hai.

Cành mai nhỏ của tôi, về sau cũng không nở thêm một bông hoa nào nữa.



(*)Không rõ tác giả

Image


19265

Lâu lâu ghé vào đọc truyện của Thiên Di:-))

DRD


19307 top -
v ă n . t h i ê n d i
1, 2, 3, 4
_______________________________________________
Chuyện Tháng Tư - thơ - Thúc Sinh _______________________________________________

Image

Có một ngày, cuối tháng tư
Buồn như nước lũ dâng từ biển lên
Bạn học chẳng dám nhớ tên
Tôi mang áo rách đi bên cuộc đời

xem tiếp...

_______________________________________________
Những Mảnh Đời Hậu Chiến - văn - Trần Bảo Toàn _______________________________________________

Image

Hôm nay, 30/04/2020, một ngày mưa rả rích, tiếng mưa như gõ vào ký ức những tháng năm quá khứ, đối với tôi ngày này chỉ có ý nghĩa là một ngày lịch sử, khi đất nước, gia đình và rất nhiều cá nhân của thế hệ cha chú và chúng tôi bước qua một khúc quanh mới.

xem tiếp...

_______________________________________________
Tình Khúc Hồi Hương - nhạc - Phạm Anh Dũng _______________________________________________

Image


xem tiếp...

_______________________________________________
Tàn Tích - ảnh - violetdehue _______________________________________________

Image


xem tiếp...