A I .
Q U A N .T R Ọ N G .
N H Ấ T ?
____________________________________________________________________________Có ai còn nhớ không? Ngày xưa khi mới lên đệ thất (lớp sáu bây giờ), giờ Quốc Văn đầu tiên được đọc bài Ba Chàng Dốt Làm Thơ, ba chàng là tác giả bài thơ Con Cóc nổi tiếng cả nước, trải qua mấy thế hệ rồi... vẫn cứ nổi tiếng!
Tôi không nhớ được nguyên bản, chỉ xin tóm tắt lại câu chuyện:
Có ba anh chàng dốt trên đường lên kinh kỳ dự thi. Trời nắng như thiêu, ba anh và ba đứa tiểu đồng vào một miếu hoang trốn nắng. Ngồi "bàn luận cổ kim" ba anh mới than với nhau.
- Thiên hạ thật đông người, có nhiều nhân tài lưu danh kim cổ, làm thân "kẻ sĩ" như chúng mình mà không để lại gì cho hậu thế thật đáng xấu hổ.
Càng suy nghĩ ba anh càng thấy bầu nhiệt huyết sôi trào, quyết tâm phải làm một chuyện gì đó kinh động đất trời, lưu danh muôn thuở. Tình cờ lúc ấy có con cóc trong hang nhảy ra ngoài. Anh thứ nhất liền ứng khẩu thành thi:
- Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra
Anh thứ hai cũng "tâm linh máy động" đọc ngay câu thứ hai:
- Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó
Anh thứ ba không chịu thua kém, quất thêm ngay câu thứ ba:
- Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi
Sau đó ba anh dốt ngồi đọc đi đọc lại bài thơ Con Cóc, càng đọc càng thấy hay, không ngờ mình đã sáng tác được bài thơ đẹp kinh hồn đến như thế. Cả ba anh dốt đang mơ màng, bỗng dưng anh dốt thứ nhất tru lên khóc. Hai anh kia giật mình hỏi cớ sự. Anh dốt thứ nhất mới ngậm ngùi than:
- Từ xưa đến giờ, những bậc hiền tài đều hay yểu mệnh. Chúng mình sau khi sáng tác được tác phẩm siêu đẳng này đã được liệt vào bậc thiên tài rồi, tôi e cả ba đứa mình sẽ sống không được bao lâu nữa!
Hai anh kia nghe vậy cũng giật mình, rồi cũng vật vã than khóc. Cuối cùng cả ba mới tâm sự rã rời sai ba đứa tiểu đồng tìm đến trại hòm gần nhất để mua cho ba cậu ba chiếc áo quan. Ba đứa tiểu đồng vừa đi vừa khóc. Tình cờ có người học giả đi ngang, thấy ba đứa tiểu đồng khóc lóc đáng thương nên hỏi cớ sự. Ba đứa nhỏ sụt sùi kể lại đầu đuôi câu chuyện. Người học giả nghe xong cũng lấy làm lạ bảo ba đứa tiểu đồng:
- Đâu bài thơ "Siêu Cấp" của ba cậu chủ của ba đứa như thế nào, đọc thử ta nghe xem.
Ba đứa thay nhau đọc:
Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi
Học giả kia nghe xong cố nhịn cười bảo ba đứa tiểu đồng:
- Thôi, sẵn dịp ba đứa mua thêm cái áo quan thứ tư luôn
- Thưa ông cái quan tài thứ tư mua cho ai ạ?
- Mua cho ta chứ cho ai. Đọc xong bài thơ Con Cóc, ta không nhịn được, cười mãi chắc cũng phải chết theo ba cậu tác giả thôi!
Ngày xưa khi còn bé, chưa hiểu nhiều, tôi cứ tưởng câu chuyện kể trên chỉ là chuyện khôi hài, đọc chơi cho vui thôi. Giờ ngồi nghĩ lại mới thấy tác giả câu chuyện thật sâu sắc! Thử nhìn chung quanh xem, chả phải lịch sử đang tái diễn là gì? Chả phải chuyện Con Cóc đang xảy ra mỗi ngày đó sao? Dạo một vòng internet, không dưới 100 websites của người Việt, mỗi một website nhỏ thì vài chục, lớn cũng có đến vài trăm "thi sĩ" (ngoài ra còn phải kể thêm văn sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ và hoạ sĩ nữa). Có ai trong đó không nghĩ mình là người có tài đâu? Nếu không nghĩ thơ mình hay sao dám post lên net chứ? Hầu như ai cũng mang tâm sự "Tài bất phùng thời". Quí vị tác giả cứ rảnh rỗi lại lên net đọc đi đọc lại thơ của mình, càng đọc càng thấy hay (chỉ thiếu tru lên khóc thôi). Đọc thơ của ai cũng không thấy "đặc biệt, có nét đặc thù rất riêng" như thơ của mình. Người khác chưa thấy thơ mình hay là vì chưa hiểu được "ngụ ý" của mình gửi gắm trong thơ. Chả nhẽ phải ghi lời chú giải ở mỗi cuối bài thơ à? Kỳ quá! Thôi thì tài chưa phùng thời. Cuối cùng không chờ đợi được ai khen tặng nữa, tự ôm vào tâm sự "Mình biết mình có tài là đủ rồi, chả cần ai biết!"
Mỗi thời đại có những chuyển biến, những thay đổi khác nhau, nhưng tâm lý con người thì không thay đổi. Cái tôi vẫn quan trọng nhất!